Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

HẠNH HIẾU

Có một lần Phật đi khất thực ở vùng mất mùa, dân trong làng ai cũng nghèo đói. Phật đi từ sáng đến trưa không có người cúng dường, trong bát Phật không có thức ăn. Khi đó có một thầy Tỳ-kheo đem lá y mới của mình đổi được một bát cơm, vội vàng đem dâng lên Phật. Phật hỏi:
- Ông còn cha mẹ không ?


Tỳ-kheo trả lời:
- Bạch Thế Tôn, con còn một bà mẹ.
Phật hỏi:
- Mẹ ông sáng nay có cơm ăn chưa ?
Tỳ-kheo đáp:
- Bạch Thế Tôn, con đổi một lá y chỉ được một bát cơm, con dâng lên Thế Tôn, mẹ con vẫn chưa có cơm ăn.
Phật dạy:
- Người đáng thọ nhận bát cơm này là mẹ của ông.

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy Phật rất chú trọng đến đức hiếu thảo của con người. Nếu người tu hành không nhớ công ơn cha mẹ thì việc tu hành chỉ là việc làm ích kỉ, không có căn bản đạo đức. Chúng ta tu là vì thương cha thương mẹ, thương thân bằng quyến thuộc, thương dân tộc, thương nhân loại, nên nỗ lực tu hành để rồi khuyên những người thân, người sơ cố gắng tiến trên đường đạo đức, làm đẹp cho người, làm đẹp cho quê hương xứ sở. Đâu phải vong ân cha mẹ, quên thân bằng quyến thuộc, phản bội quốc dân mà đi tu. Dù là người xuất gia hay cư sĩ tại gia đều phải lấy công ơn cha mẹ làm gốc để tu hành. Vì vậy, mỗi năm tới mùa báo hiếu, Phật tử quy tụ về chùa, trước là đem lòng thành kính nguyện Tam bảo gia hộ cho cha mẹ sớm được về cõi Phật. Kế đó, vì cha mẹ làm lành, tu thiện, cứu giúp người nghèo khổ và nhắc nhở, khuyến khích hướng dẫn con cháu tiến trên đường đạo. Đó là nền tảng đạo đức đời đời không quên.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét