Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Người đàn ông chết đi sống lại, phán chính xác ngày chết sau đó

Anh em, người thân, bà con hàng xóm tụ tập lại chuẩn bị làm lễ nhập quan, đột nhiên bàn tay anh Hùng bắt đầu cựa quậy, mắt mở trừng trừng nhìn xung quanh rồi xin uống nước và hút thuốc lá.
Sự việc kỳ lạ ấy khiến bao người chứng kiến bỏ chạy tán loạn, có người chạy không được té nhào xuống đất vừa lê lết bò vừa chắp tay van xin, có người dựa lưng vào tường ngất xỉu tại chỗ. Và họ càng sợ, lo lắng hơn khi anh Hùng lúc ngồi dậy dựa lưng vào bờ tường, miệng lẩm bẩm: “Ngày 15/7 thì tui tiếp tục chết”.
Nói xong, anh hoàn toàn như kẻ vô thức, không nhớ bất cứ điều gì.
Cảnh đời bất hạnh của người “chết đi sống lại”
Hơn 2 năm sau ngày anh Nguyễn Văn Hùng, ngụ tại 91, hẻm Lê Thị Thôi, phường 2, thành phố Tân An (Long An)  chết đi sống lại và tiếp tục chết, người nhà gia đình vẫn không thể quên được những giây phút kỳ lạ xảy ra. Trong câu chuyện đầy màu sắc tâm linh với chúng tôi, người thân vẫn nhớ rõ chuỗi sự kiện ấy và không thể lý giải và xem đó như một “phép màu” kỳ diệu ngắn ngủi, kéo dài thêm sự sống, cùng nỗi hoang mang trong một tháng trời.
Bà Nguyễn Thị Kim, mẹ của anh Nguyễn Văn Hùng (37 tuổi) ngồi tựa vào vách tường, gợi nhớ lại ký ức đau buồn xảy ra với con trai bạc mệnh:  “Hùng là con trai cả trong gia đình có 5 anh em. Hơn 30 năm qua, chồng tôi đã bỏ đi theo người đàn bà khác. Mình tôi nuôi các con khôn lớn. Chính vì thế, so với đám bạn bè lớn lên ở vùng miệt vườn sông nước thì đám con của tôi chịu rất nhiều thiệt thòi, không được ăn học tử tế. Hàng ngày, cả gia đình gồm 6 người sống tạm trong ngôi nhà rộng chừng 30m trong hẻm Lê Thị Thôi. Lớn lên chút nữa, Hùng bỏ học, phụ giúp mẹ trông em và làm các việc lặt vặt”.
Theo lời bà thì Hùng rất hiền, sớm ý thức được hoàn cảnh của gia đình nên không ham chơi bời, rất chịu khó đi làm thuê kiếm tiền. Tuy nhiên, ở quê không có việc, Hùng phải ngược xuôi đi khắp nơi làm phụ hồ, bốc vác tại TP.HCM. Nguồn thu nhập bấp bênh, lại sống ở nơi chi tiêu đắt đỏ, con trai của bà phải ngược về Bà Rịa - Vũng Tàu làm phụ hồ. Thỉnh thoảng những đồng tiền tích cóp được, Hùng đều gửi về cho mẹ nuôi các em.
Bà Kim kể lại câu chuyện buồn về người con trai bạc mệnh
Sau này, bà Kim vui và phấn khởi khi hay tin, Hùng đã gặp và yêu thương một cô gái cũng có hoàn cảnh khó khăn, quê tận miền Trung. Tình cảnh éo le, lại cùng cảnh ngộ, cả hai quyết định dọn về sống chung mà không có đăng ký kết hôn, đám cưới. Từ đó, thỉnh thoảng Hùng có dẫn bạn gái về nhà đôi lần giới thiệu. Đến khi 2 đứa con lần lượt chào đời, thì bà Kim chỉ nghe được thông tin cuộc sống của con trai gặp nhiều khó khăn hơn.
Trung tuần tháng 4/2010, Hùng và vợ có xảy ra cãi nhau và anh bỏ đi. Gia đình và vợ của Hùng hoàn toàn không biết anh đi đâu. Chỉ đến một hôm, Hùng đột ngột trở về nhà người em gái thứ  ba, trên tay mang theo túi ni lông đựng nhiều thuốc chữa bệnh, người em gặng hỏi: “Anh Hai bị bệnh gì mà uống nhiều thuốc dữ vậy?”.
Hùng chỉ qua quýt: “Bị mấy bệnh lặt vặt thôi, không sao cả”. Người em gái không tin khi thấy anh trai có dấu hiệu mệt mỏi, mồ hôi ướt đẫm, hay kêu đau ở bụng, nôn ói, gương mặt nhợt nhạt nên yêu cầu đến bệnh viện khám. Bất đắc dĩ, Hùng đến bệnh viện kiểm tra. Các bác sĩ sau khi chẩn đoán, đưa ra lời khuyên: “Hùng bị ung thư túi mật giai đoạn cuối, có dấu hiệu di căn sang một số bộ phận khác trong cơ thể, gia đình nên đưa về nhà vì nếu có nằm viện, chỉ thêm tốn kém. Căn bệnh này không có thuốc chữa”. Không tin đó là chuyện thật, anh tiếp tục đi sang một số bệnh viện khác khám lại, và nhận được các kết quả tương tự.
Di ảnh của anh Hùng
Thất vọng với căn bệnh quái ác đeo bám, Hùng khăn gói về nhà mẹ đẻ nằm…chờ chết. Cuộc sống nghèo khó của gia đình bà Kim từ ngày Hùng về thêm buồn tủi. Trong căn nhà chật hẹp, chỉ đủ vừa kê hai chiếc giường, từ ngày phát bệnh, Hùng nằm lì trong nhà. Nỗi nhớ các con, lại tủi phận cảnh đời nghiệt ngã nên chỉ trong hơn 1 tháng, Hùng tiều tụy hẳn. Cả thân hình với sức vóc trai tráng, khỏe mạnh bỗng chốc gầy sọp, như một “bộ xương di động”.
Bà Kim không kìm được nước mắt nhớ lại: “Đó là chuỗi thời gian Hùng nằm dài chờ chết. Thời gian đằng đẵng ấy khiến từng đêm bà chỉ biết ngậm ngùi nhìn con héo mòn”. Và đến ngày 15/6/2010, hơn 50 ngày từ khi phát hiện bệnh, trong bữa cơm chiều, Hùng bước ra tấm đệm trải trên nền gạch để nằm nghỉ.
Dọn dẹp nhà cửa xong, đến hơn 17h cùng ngày, bà Kim thấy con trai nằm im chẳng hề có một cử động nào. Bước lại kéo tấm mền định đắp lên mình con thì bà phát hiện Hùng đã tắt thở từ lúc nào, nước da chuyển sang trắng nhợt liền òa khóc nức nở. Biết chuyện, mọi người trong khu phố nghe tin đều tranh thủ đến viếng thăm và chia buồn với gia đình có người thanh niên vắn số.
Tắt thở, đột nhiên tỉnh dậy đòi uống nước, hút thuốc
Vì căn nhà quá chật hẹp nên người nhà sau khi tắm rửa, mặc quần áo mới cho Hùng, đặt anh nằm trên tấm phản ở giữa nhà, trùm tấm vải lên kín từ chân tới đầu, đặt lên bụng nải chuối, chờ nhập quan (đưa người chết vào quan tài). Trong lúc chờ đợi người vợ của anh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đưa các con về nhìn mặt chồng, cha lần cuối cùng thì gia đình suy tính đến việc hậu sự cho ngày mai.
Cả đêm đó, do nhà chật hẹp nên hầu hết mọi người đều ngồi ngoài con hẻm, riêng người em út của Hùng là Nguyễn Văn Trí mạnh dạn ngồi bên thi hài anh trai. Đến nửa đêm, Trí thấy dưới tấm vải trắng, bàn tay anh trai động đậy.
Trí thông báo tin này cho nhiều người đến chứng kiến nhưng họ đều không tin, cho rằng Trí gặp ảo giác. Thế nhưng, đến khi thấy cả thân hình anh Hùng rung lên bần bật, bất ngờ thò bàn tay khỏi tấm vải trùm, cất giọng đòi uống nước, xin hút thuốc lá, mọi người giật bắn mình bỏ chạy tán loạn. Có một số người sợ quá, lao vội từ nền gạch xuống dưới đường, ngã chổng vó, một số trường hợp khác thì ngất xỉu tại chỗ.
Sự việc kỳ lạ vẫn chưa dừng lại, bởi anh Hùng sau khi nhờ người em trai tên Trí dìu mình dựa lưng vào bức tường, bất chợt thốt lên: “Đến đúng ngày 15/7 (tức 1 tháng sau) tui sẽ chết ”.
Cuối đời, bà Kim lẻ loi một mình hương khói cho con trai
Bà Kim vào gặng hỏi có nhớ bất cứ điều gì khi tỉnh dậy không, lúc đó Hùng hoàn toàn như kẻ vô thức, và ngạc nhiên khi thấy tất cả anh em tụ tập đông đủ. Hùng hỏi em trai: “Nhà mình có ai chết hay sao mà mua đồ đám tang đầy đủ vậy?”. Anh Trí khi nghe xong, mới dám tin sự thật là sau gần 10 tiếng đồng hồ tắt thở, anh trai mình đã trở về từ cõi chết.
Người tưởng chết nay đã thức giấc, mọi người trong nhà lúc này mới hì hục dọn dẹp toàn bộ khăn tang, chuối, quan tài và tất cả những vật dụng cho đám. Theo những người trong gia đình anh Hùng, sau khi anh Hùng sống lại, việc sinh hoạt đi lại của anh còn gặp rất nhiều khó khăn, anh cũng ăn uống rất ít. Riêng trí nhớ của anh thì rất tốt. Bản thân anh  nhớ rõ tất cả các sự kiện đã xảy ra với mình. Chỉ câu thốt ra sau giây phút tỉnh dậy, anh không thể nhớ rõ.
“Biểu hiện của Hùng so với trước khi về nhà nằm điều trị bệnh cũng không khác mấy. Nó tỉnh dậy là cả nhà mừng rồi. Ai cũng tin rằng, người nào chết đi sống lại sẽ kéo dài được sự sống lâu dài. Tui và mấy anh em cũng không nghĩ đến lời “tiên tri” ngày chết mà nó thốt ra. Vậy mà, điều đó đã trở thành sự thật…”- bà Kim nhớ lại.
Đúng một tháng sau ngày tắt thở rồi sống dậy, anh Hùng lại một lần nữa được phát hiện trong tình trạng tắt thở. Lần này, người nhà hi vọng anh lại thức dậy một lần nữa nhưng phép màu nhiệm kỳ ấy đã không thể tái hiện lần hai.
Trong ngày đưa tiễn anh Hùng về nghĩa trang, có nhiều lời đồn đại, thêu dệt, hư cấu của người dân. Có người đến dự tang vì chia buồn, nhiều người khác thì hiếu kỳ. Bởi họ cho rằng, sự kiện anh Hùng tiên tri ngày chết của mình vào ngày 15/7 (tức 1 tháng sau khi tỉnh dậy) đã ứng nghiệm. Nếu là một người bình thường thì không có ai tự tin “ấn định” ngày chết một cách chính xác đến vậy. Vì thế, mới có chuyện có một người đàn ông ham mê cờ bạc, lô đề nghe tin, đến thắp hương, khấn xin số.
Đã 2 năm sau ngày con trai mình “chết đi sống lại”, bà Kim bảo giây phút đó vẫn không thể quên. Nỗi đau khắc khoải ấy vẫn còn hằn in, đeo bám bà lúc tuổi xế chiều. Giờ thì căn nhà chật hẹp chừng 30m, một mình bà lầm lũi sống cô độc, hương khói cho anh Hùng. Người con dâu của bà, sau cái chết đột ngột của chồng đã dắt díu hai đứa con bỏ đi biệt xứ, cắt đứt liên lạc. Đôi lần, nỗi nhớ cồn cào các cháu, bà cố tìm địa chỉ của cô con dâu tận miền Trung đề về thăm, nhưng toàn bộ thông tin đều không có. “Tôi có tâm nguyện lúc cuối đời, muốn gặp các cháu để được nâng niu, chăm sóc thay cha nó nhưng điều đó xa vời quá”.
Theo Infonet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét