Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

NGỮ VỰNG PHẬT HỌC ( 151 - 200 )

DANH TỪ THIỀN HỌC 
NGỮ VỰNG PHẬT HỌC ( 151 - 200)
151.  PHÁP HỮU VI : Những pháp có hình tướng, số lượng, có thể suy lường và dùng lời nói văn tự diễn tả được đều gọi là pháp hữu vi.
152.  PHÁP KHÍ : Những nhân tài có thể đào tạo thành người đủ đại cơ đại dụng để nói tiếp huệ mạng của Phật, hoằng dương chánh pháp gọi là Pháp khí.
153.  PHÁP MÔN TÂM ĐỊA : Tâm địa dụ cho tự tánh. Pháp môn tu hành để giác ngộ tự tánh gọi là pháp môn Tâm địa.
154.  PHÁP SƯ : Nam nữ tu sĩ xuất gia đã thông đạt Phật pháp mà hay đem tinh nghĩa của Phật pháp, dùng ngôn ngữ văn tự, phương tiện để giảng dạy cho người khác nghe gọi là Pháp sư.
155.  PHÁP TÀI : Là thần thông trí huệ, năng lực vô lượng vô biên của tự tánh vốn sẵn có.

156.  PHÁP THÂN : Tức là bản thể của tự tánh cùng khắp không gian thời gian, nó vô hình vô thanh, mà hay hiện hình hiện thanh, như như bất động mà cùng tột biến hóa, tất cả năng lực đều sẵn đầy đủ.
157.  PHÁT MINH TÂM ĐỊA : Tức là minh tâm kiến tánh.
158.  PHÁP VÔ VI : Pháp không có hình tướng, số lượng, chẳng thể suy lường và dùng lời nói diễn tả được.
159.  PHẤT TRẦN : Là công cụ của Thiền Sư dùng để tiếp dẫn hậu học khiến thiền giả phát khởi nghi tình cho đến khai ngộ.
160.   PHẬT ĐÀ : Người giác ngộ cùng tột đã chứng Diệu Giác như Phật Thích Ca.
161.  PHI LƯỢNG : Tất cả tri kiến chấp thật, sai trái với hiện lượng, tỷ lượng.
162.   PHIỀN NÃO : Kiến hoặc, tư hoặc, kiến giải và tư tưởng sai lầm nhiễu loạn sự yên tịnh của thân tâm.
163. PHIỀN NÃO CHƯỚNG : Tất cả phiền não do bảy thứ tình cảm (mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, ham thích) và sáu thứ dục vọng (của lục căn) sanh khởi đều làm chướng ngại sự giải thoát cái khổ sanh tử.
164.  PHỔ BIẾN : Là chẳng nơi nào không có, chẳng lúc nào không có.
165.  PHƯƠNG TIỆN : Tùy theo căn cơ trình độ của chúng sanh, tùy nghi giả thiết đủ thứ thí dụ để giáo hóa mọi người.
166.  PHƯƠNG TRƯỢNG : Phòng ở của Hòa Thượng Trụ trì, ngang rộng chỉ có một trượng.
167. QUẢI ĐƠN : Quải là ở đậu, đơn là đơn vị. Tất cả Tu sĩ sống trong Tòng lâm như một ông Tăng là một đơn vị, ở đậu một ngày thì làm chủ (như một công dân) Tòng lâm một ngày, ở đậu mười năm thì làm chủ Tòng lâm mười năm.
168. QUÁN CƠ : Quán xét căn cơ trình độ của người học để theo đó mà dạy bảo.
169. QUÁN TƯỞNG : Dùng cái tâm năng quán để quán cái cánh sở quán, khi quán thành thì niệm khởi, cảnh liền hiện, như quán mặt trời thành tựu thì niệm khởi thấy ban đêm như ban ngày.
170. QUÃNG ĐƠN : Là giường rộng dài của Thiền đường, mỗi giường có thể nằm mấy chục người. đơn vị mỗi người nằm rộng cỡ 0,8 m.
171. QUỐC ĐỘ TUYỆT ĐỐI : Sáng tỏ thể dụng của tự tánh tuyệt đối bất nhị. Khắp thời gian chẳng sanh diệt gọi là Niết Bàn khắp không gian chẳng khứ lai gọi là Như Lai; chẳng thị phi phân biệt gọi là Bát Nhã; chẳng trụ chẳng đi gọi là thể dụng bất nhị, chẳng trụ thì phi tịnh, chẳng đi thì phi động, gọi là Như Như Bất Động.
172. SA MA THA : Là thiền cực tịnh, quán các pháp đều không, như gương soi các tướng.173.   SÁT NA : Là thời gian ngắn, 1/60 của giây.
174.   SÁT NA ĐAO, HOẠT NHÂN KIẾM : Dao giết người, kiếm làm sống người. Cơ xảo của chư Tổ tiếp dẫn hậu học có cao thấp. Thấp là tiểu cơ tiểu dụng, nghĩa là chỉ biết dùng sát nhân đao mà chẳng biết dùng hoạt nhân kiếm. Cao là đủ đại cơ đại dụng, khéo dùng sát nhân đao, cũng khéo dùng hoạt nhân kiếm. Sát nhân đao chỉ có thể khiến người tiểu tử tiểu hoạt, còn đồng thời biết dùng cả sát nhân đao và hoạt nhân kiếm thì có thể khiến người đại tử đại hoạt.
175. SÁU BA LA MẬT : Cũng gọi là Lục độ, gồm Đàn na (bố thí), Thi la (trì giới), Sằn đề (nhẫn nhục), Tỳ lê da (tinh tấn), Thiền na (thiền định), Bát nhã (trí huệ).
176.  SÁU MƯƠI HAI KIẾN CHẤP : Tứ cú * ngũ uẩn = 20; 20 * tam thế = 60; 60 + hữu vô = 62. Tất cả kiến chấp đều chẳng ra ngoài 62 kiến này. Như chấp sắc là có, là không, là chẳng có chẳng không, là cũng có cũng không, hoặc quá khứ không, hiện tại có, vị lai không; hoặc quá khứ có, hiện tại có, tam thế đều có, hoặc tam thế đều không v.v… Cộng chung thành 62 kiến chấp.
177. SÁU THỨ CHẤN ĐỘNG : Chia làm ba: 1.Sáu thời chấn động: Phật nhập thai, xuất thai, xuất gia, thành đạo, chuyển pháp luân, nhập Niết Bàn. 2.Sáu phương chấn động: Đông nổi Tây chìm, Tây nổi Đông chìm, Nam nổi Bắc chìm, Bắc nổi Nam chìm, Biên nổi Trung chìm, Trung nổi Biên chìm. 3.Sáu tướng chấn động: Tướng động, tướng nổi, tướng chấn, tướng kích, tướng rống, tướng nổ. Những chấn động kể trên đều tượng trưng triệu chứng tốt đẹp, nhưng người có thiên nhãn mới được thấy.
178.   SÂN : Do đối cảnh hoặc ghi  nhớ, kích thích sanh khởi cái tâm phẩn nộ hoặc oán hận.
179.   SI : Chẳng có thật tướng của sự vật vốn không thật mà chấp cho là thật.
180.   SỞ TRI CHƯỚNG : Tri kiến do bộ óc nhận thức được đều làm chướng ngại sự kiến tánh.
181.  SƯ TỬ RỐNG : Khi Phật thuyết pháp, bọn ma khiếp phục, ý dụ cho khi sư tử rống thì bách thú đều phục vậy.
182. TÀ KIẾN : Cho rằng tất cả đều không có nhân quả, kiến giải này gọi là tà kiến.
183.   TẠI GIA, XUẤT GIA : Tại gia tu hành thọ ngũ giới gọi là cư sĩ, nam gọi là Ưu bà tắc, nữ gọi là Ưu bà di. Xuất gia tu hành, nam nữ thọ giới khác nhau, mới xuất gia cùng thọ mười giới, nam gọi là sa di, nữ gọi là sa di ni. Sa di Ni thọ thêm lục pháp giới gọi là Thức xoa ma na Ni. Sa di thọ 250 giới gọi là Tỳ kheo, Thức xoa thọ 384 giới gọi là Tỳ kheo Ni. Những giới kể trên gọi là giới Thinh Văn, thuộc về Tiệm giới, phải y theo cấp bậc tiệm tiến không được nhảy qua. Giới Bồ Tát thì thuộc về Đốn giới, chẳng phân biệt cấp bậc, nam nữ, tại gia, xuất gia; chỉ cần phát tâm chân chính, đều có thể thọ cùng một lượt.
184. TAM ĐỘC : Tức là tham, sân, si
185. TAM GIẢI THOÁT MÔN : Ghi trong kinh Đại Bát Nhã, tức là Không, Vô tướng, Vô nguyện. TÊN GỌI DÙ CÓ BA, NHƯNG THỂ VỐN LÀ MỘT, CHƯ PHÁP thể “KHÔNG”, có tướng đều vọng, nguyện là mong cầu. Người sơ tham phát nguyện chỉ là phương tiện tạm thời. Phật là người vô cầu, nếu chấp tướng chấp nguyện thì chẳng thể từ “KHÔNG” hiển dụng mà lại chướng ngại sự giải thoát, vì là có sở trụ vậy.
186.   TAM GIỚI : Dục giới (có nam nữ dâm dục), Sắc giới (chỉ có hình sắc mà không có nam nữ dâm dục), vô sắc giới (không có sắc thân, chỉ có thần thức) gọi chung                                                                                                    là chung tam giới.
187.  TAM HIỀN : Người chứng đắc ba thứ quả vị Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng.
188.   TAM HUYỀN TAM YẾU : Là cơ xảo của Lâm Tế để kích thích hành giả tham thiền phát khởi nghi tình.
189. TAM KHỔ : Khổ khổ, hoại khổ, hành khổ. Khổ khổ là lúc thân tâm đang chịu thống khổ; hoại khổ là cái khổ vì sự vật vui thú bị mất đi; hành khổ là cái khổ chuyển biến chẳng yên định. Dục giới có đủ ba khổ; Sắc giới chỉ có hoại khổ, hành khổ; Vô sắc giới chỉ có hành khổ.
190.   TAM LUÂN THỂ KHÔNG : Nói về việc bố thí: Kẻ bố thí, kẻ nhận bố thí, tài vật để bố thí, gọi chung là Tam luân. Thí mà chẳng trụ nơi thí gọi là Tam luân thể không.
191. TAM MA ĐỀ : Là thiền quán tùy duyên biến hiện, quán các pháp đều giả như lúa mạ huyễn hóa mà dần dần tăng trưởng.
192. TAM MẬT GIA TRÌ : Thân, ngữ, ý là tam mật. Đại Nhựt Như Lai bản thể khắp thời gian không gian là Thân mật. Tiếng nói khắp thời gian không gian là Ngữ mật. Thức đại khắp thời gian không gian là Ý mật. Bàn tay kiết ấn là Thân mật, miệng tụng chú là Ngữ mật, tâm quán tưởng là Ý mật. Thân, ngữ, ý đồng thời thực hành gọi là Tam mật gia trì.
193.   TAM MUỘI : Tự tánh như như bất động gọi là chánh định. Đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc đều trong định. Nếu tĩnh tọa mới nhập định có xuất có nhập thì chẳng phải đại định.
194.  TAM NĂNG BIẾN : 1.Trong thức thứ tám, khi có một chủng tử nào chính muồi, gặp duyên biến hiện thuộc về di thục năng biến. 2.Dù trong chủng tử đủ sức biến hiện,còn phải chờ thức thứ bảy, ngày đêm suy lường ngã chấp, mới được biến hiện ra, thuộc về suy lường năng biến.  3.Hai thức thứ bảy và thức tám, dù có tính năng biến,còn phải chờ thức thứ sáu liễu biệt lục trần (phân biệt rõ ràng) mới được sanh khởi hiện hành, thuộc liễu biệt năng biến; ba thức sáu, bảy, tám hợp tác biến hiện vũ trụ vạn vật gọi là Tam năng biến.
195.    TAM NHÂN : Chánh nhân (bản nhân thành Phật), liễu nhân (liễu triệt lý thành Phật), duyên nhân (trợ duyên thành Phật).
196.   TAM PHÁP ẤN : Chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, Niết Bàn tịch tịnh, thuộc phá ấn chứng của Tiểu thừa.
197.     TAM QUÁN : Không quán, giả quán, trung quán do Thiên Thai Tông kiến lập.
198.    TAM TẠNG PHÁP SƯ : Tu sĩ thông suốt Kinh tạng, Luật tạng, Luận tạng, gọi là Tam tạng Pháp sư.
199.    TAM TÁNH : Là thiện, ác, vô ký (phi thiện, phi ác, gọi chung là tam tánh). Còn tam tánh của Duy thức tông làm Biên kế chấp (chấp trước), Y tha khởi (nhân duyên), Viên thành thật (Phật tánh).
200. TAM THÂN : Pháp thân (bản thể Phật tánh), Báo thân (thân Tự thọ dụng và Tha thọ dụng), Ứng hóa thân (vì độ chúng sanh mà biến hiện những thân thích ứng với chúng sanh).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét