DANH TỪ THIỀN HỌC
NGỮ VỰNG PHẬT HỌC ( 201 - 250 )
201. TAM TRỤ : Khổ thụ, lạc thụ, bất khổ bất lạc thụ (cũng gọi là xả thụ).
202. TAM Y : Hạ y may năm điều là An đà hội, Trung y may bảy điều là Uất đa la tăng, Thượng y may từ chín điều đến hai mươi lăm điều là Tăng già lê.
203. TÀO KHÊ : Tên địa phương. Đạo tràng của Lục Tổ Huệ Năng sáng lập tại địa phương đó nên xưng Lục Tổ là Tào Khê.
204. TÂM ẤN : Thầy dùng cái tâm ngộ của mình ấn chứng cái tâm của đệ tử đã ngộ, nói là lấy tâm ấn tâm.
205. TÂM CHƯA ỔN : Kẻ chưa triệt ngộ thì tâm chưa yên ổn, cũng là gốc nghi chưa được dứt sạch.
206. TÂM NĂNG BIẾN : Dị thục năng biến thuộc thức thứ tám, Tư lượng năng biến thuộc thức thứ bảy, Liễu biệt năng biến thuộc thức thứ sáu. Vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều do ba thức này hợp tác biến hiện nên gọi là Tâm năng biến.
207. TÂM, TÂM SỐ : Tâm là tám thứ thức nơi Tâm vương. Tâm số cũng gọi là tâm sở, là hiện tượng biểu hiện do Tâm vương hoạt động, gồm 51 Tâm sở, do tông Duy Thức kiến lập.
208. TÂM YẾU : Vạn pháp duy tâm chẳng thể kể xiết chỉ nói yếu chỉ, gọi là tâm yếu.
209. TẬP KHÍ PHIỀN NÃO : Đã thành thói quen chấp về kiến giải và tư tưởng sai lầm của mình gọi là tập khí phiền não.
210. TÁNH KHÔNG : Chẳng chấp thật có, chẳng chấp thật không, chẳng chấp thật chân, chẳng chấp thật giả, được như thế thì các pháp ngay đó tự không, chẳng phải tiêu diệt thể tướng rồi mới thành không, nên gọi là tánh không.
211. TÁNH TƯỚNG : Phật thiết lập phương tiện đem bản thể của Tâm địa mệnh danh là “tánh” như Phật tánh, Tự tánh, Thật tánh, Không tánh v.v… mà đem những tư tưởng chấp thật gọi là Tướng, nói : “Phàm sở hữu tướng đều là hư vọng”, rồi chia làm bốn cấp để sáng tỏ nghĩa tướng: Ngã tướng, Nhân tướng, Chúng sanh tướng, Thọ giả tướng. Nhưng sau khi kiến tánh rồi thì chẳng phân biệt tánh với tướng, mà gọi bản thể của Phật tánh là Thực tướng.
212. TẾ HẠNH : Hành động vi tế của người tu hành trong cuộc sống hàng ngày, đều đúng theo giới luật của nhà Phật gọi là Tế hạnh.
213. THAM : Có tâm mong cầu sự thành công hay đắc vật và muốn thỏa mãn dục vọng của mình đều gọi là tham.
214. THAM THIỀN : Tham thiền chẳng phải ngồi thiền, ngồi thiền chẳng phải tham thiền. Tham thiền ở nơi tâm ngộ mà chẳng ở nơi ngồi. Trước đời nhà Tống Trung Quốc (cách đây 600 năm), các Tổ sư mỗi mỗi dùng cơ xảo khiến thiền giả tự khởi nghi tình mà chẳng tự biết mình đã tham thiền, nên kẻ ngộ nhiều lại mau ngộ. Từ khi Truyền Đăng Lục (Lịch sử Thiền tông) ra đời, thiền giả đã biết được cơ xảo của Tổ sư nên chẳng thể tự khởi nghi tình, Tổ sư bất đắc dĩ phải dạy tham thoại đầu nên sau này kẻ ngộ ít mà lại chậm ngộ.
215. THAM THOẠI ĐẦU : Chữ Tham tức là nghi. Đề câu thoại đầu hỏi thầm trong tâm, cảm thấy không hiểu nên sanh khởi nghi tình. Có nghi tình mới được gọi là tham thiền. Tham thoại đầu cũng gọi là khán thoại đầu, tức là nhìn ngay chỗ một niệm chưa sanh khởi (là vô thủy vô minh) không biết đó là cái gì, phối hợp với câu thoại đầu để tăng thêm nghi tình.
216. THAM VẤN : Hành giả đi các nơi tham học, hỏi đạo gọi là tham vấn.
217. THANH VĂN : Văn Phật thanh giáo, nghĩa là nghe phật thuyết Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) mà giác ngộ đạo Tiểu thừa.
218. THÁNH ĐẾ : Lý đạo chân chánh do bậc Thánh sở thuyết gọi là Thánh đế.
219. THÁNH NGÔN LƯỢNG : Ngôn giáo của Phật thuyết khiến chúng sanh trừ mê khởi tín, theo pháp tu hành được chứng quả, cũng gọi là Thánh giáo lượng.
220. THẮNG NGHĨA : Nghĩa đúng như thực tế, tất cả nghĩa lý khác chẳng thể so bằng, cũng gọi là Đệ Nhất nghĩa.
221. THÂN TRUNG ẤM : Ấm trước đã chết, ấm sau chưa sanh, có thân huyễn hóa nơi khoảng giữa gọi là thân trung ấm, vì thiện nghiệp ác nghiệp bằng nhau chưa rõ đầu thai sanh nơi nào, trung ấm này mỗi bảy ngày một sanh tử để đợi nghiệp duyên chuyển biến rồi đi đầu thai, có thể kéo dài đến 49 ngày.
222. THẬP BÁT BIẾN : Thần thông biến hóa hiển hiện trong Thập bát giới (Lục căn, Lục trần, Lục thức) gọi là Thập bát biến.
223. THẬP ĐỊA : Tức là Bồ Tát Thập địa, cũng gọi là Thập Thánh.
224. THẬP HẠNH : Quá trình tu chứng của giáo môn từ ngôi sơ hạnh đến ngôi Thập hạnh, thuộc giai đoạn thứ nhì của Tam Hiền.
225. THẬP HỒI HƯỚNG : Quá trình tu chứng của giáo môn từ ngôi Sơ hồi hướng đến ngôi Thập hồi hướng, thuộc giai đoạn thứ ba của Tam hiền.
226. THẬP LỰC : 1.Trí lực biết sự hợp lý, bất hợp lý. 2.Trí lực biết nghiệp báo của tam thế. 3.Trí lực biết thiền định, giải thoát. 4.Trí lực biết các căn hay, dở. 5.Trí lực biết về kiến giải. 6.Trí lực biết về cảnh giới. 7.Trí lực biết nhân quả hành đạo. 8.Trí lực thiên nhãn thông. 9.Trí lực túc mạng thông. 10.Trí lực biết tất cả sự vật đúng như thực tế.
227. THẬP THÁNH : Người chứng đắc quả vị từ Sơ địa đến Thập địa, tức là Bồ Tát Sơ địa đến Thập địa.
228. THẬP TÍN : Từ Sơ tín đến Thập tín, sức tin đối với tự tâm đã thành tựu viên mãn.
229. THẬP TRỤ : Quá trình tu chính của giáo môn từ Sơ trụ đến Thập trụ, thuộc giai đoạn đầu của Tam Hiền.
230. THẬP SỬ : Cũng gọi Thập hoặc, tức là tham, sân, si, mạn (Ngũ độn sử) và thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến, giới thủ kiến (Ngũ lợi sử), gọi chung là Thập sử. (Kiến thủ kiến: chấp cái thành kiến cho là chân lý; Giới thủ kiến chấp cái tà giới cho là chánh giới).
231. THẬT TƯỚNG : Bản thể tự tánh cùng khắp thời gian, không gian pháp tự như thế chẳng do tạo tác, chân thật bất hư, nên gọi Thật tướng.
232. THÊ CHỈ : Tức là cư trú.
233. THẾ GIỚI CỰC LẠC : Quốc độ mà người tu Tịnh độ cầu vãng sanh. Vì quốc độ đó chỉ có vui chẳng có khổ nên gọi là Cực lạc.
234. THẾ LƯU BỐ TƯỞNG : Thế là thế gian, lưu là lưu hành, bố là phổ biến, tưởng là tư tưởng. Nghĩa là những tư tưởng mà thế gian phổ biến lưu hành như vậy rồi. Cũng như kêu trâu là trâu, kêu ngựa là ngựa.
235. THIÊN ĐƯỜNG : Chỗ ở của người cõi trời chỉ thọ vui chẳng thọ khổ, phước lớn chừng nào thì tuổi thọ cao chừng nấy.
236. THIÊN LONG BÁT BỘ : Thiên, long, dạ xoa (Quỷ dũng mãnh), Càn thác bà (Hương thần), A tu la (Phi thiên), Ca Lâu La (Kim xí điểu), Khẩn Na La (Phi nhơn), Ma Hầu La Già (Đại mãng xà), gọi chung là Bát Bộ Chúng.
237. THIÊN VIÊN : Thiên là thiên hướng một bên, viên là đầy khắp không gian thời gian. Tương đối là thiên, tuyệt đối là viên. Thiên là có giới hạn, viên là chẳng có giới hạn.
238. THIỀN BỆNH : Đứng về lập trường Tổ Sư Thiền, phàm có thể chướng ngại sự kiến tánh đều gọi là thiền bệnh. Nói tóm lại, phàm có sở trụ gọi là bệnh, như trụ nơi có, không, động, tịnh, nói, nín … nói cách khác lọt vào tương đối đều là bệnh.
239. THIỀN NA : Là thiền quán tịch diệt, quán các pháp phi không phi giả mà vô trụ, như âm thanh ẩn trong chuông trống.
240. THIỀN TÔNG : Phật giáo Trung Quốc có chia làm năm nhánh là: Thiền, Giáo, Tịnh , Luật, Mật. Tất cả đều có thiền riêng nhưng không xưng là Thiền tông, chỉ có Tổ Sư Thiền mới xưng là Thiền tông, cũng gọi là Tông môn Thiền.
241. THIỆN CĂN : Là chủng tử Phật tánh.
242. THIỆN TRI THỨC : Tiếng xưng hô người đủ chánh tri, chánh kiến.
243. THỊ GIẢ : Trong Phật giáo, những bậc cao Tăng vì cần phương tiện cho sự hoằng pháp, nên đều có một hay hai người bên cạnh hầu hạ ngày đêm, người hầu hạ bên cạnh gọi là thị giả.
244. THOẠI ĐẨU : Trước khi chưa khởi niệm muốn nói câu thoại, tức là khi một niệm chưa sanh khởi, gọi là thoại đầu. Nếu có khởi niệm cho là nên, cho là không nên, cho là đúng, cho là không đúng, phàm có hai chữ cho là “đều chẳng phải thoại đầu”.
245. THOẠI ỨNG : Triệu chứng báo trước sự tốt đẹp và sau này sẽ ứng nghiệm đúng với triệu chứng đó, gọi là thoại ứng.
246. THỪA ĐƯƠNG : Nghĩa là ngay đó lãnh hội ý của chư Phật, chư Tổ.
247. THƯỜNG TRỤ : 1.Chúng (Tăng, Ni) ở trong Tòng lâm đều là người thường trụ, nghĩa là chủ nhân của Tòng lâm, quyền lợi và nghĩa vụ của đại chúng đều bình đẳng. 2.Thường trụ Tam Bảo thì cho tượng Phật là Phật Bảo, kinh Phật là Pháp Bảo. Tăng Ni hiện tiền là Tăng Bảo, thường trụ Tam Bảo này cũng đại diện cho Phật giáo thọ nhận sự quy y của Phật tử.
248. THƯỜNG VÔ THƯỜNG : Phật tánh phi thường phi vô thường, chấp thường là thường kiến ngoại đạo, chấp vô thường là đoạn kiến ngoại đạo.
249. THƯỢNG ĐƯỜNG : Vị Trụ trì ở Tòng lâm mỗi ngày hai lần sớm chiều lên pháp đường giải đáp sự tham vấn của Tăng chúng, gọi là thượng đường.
250. TỊCH CHIẾU : Tịch là như như bất động, chiếu là chiếu soi khắp nơi. Vì thể dụng của tự tánh cùng khắp không gian và thời gian, tịch mà thường chiếu, chiếu mà thường tịch, tịch chiếu bất nhị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét