DANH TỪ THIỀN HỌC
NGỮ VỰNG PHẬT HỌC ( 251 - 302 )
251. TIỆM GIÁO : Pháp tu của giáo môn từ Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng Thập địa cho đến Đẳng giác, Diệu giác, từng bậc dần dần tiến lên, cũng gọi là pháp thiền gián tiếp.
252. TIÊU TỨC : Nghĩa là tin tức tham thiền công phu thành khối đạt đến thoại đầu không thấy mùi vị nào cả, ấy là tin tức sắp kiến tánh.
253. TIỂU THỪA : Dụ cho xe nhỏ chở một mình. Pháp Tiểu thừa phá nhân ngã chấp, nghỉ nơi Hóa thành chẳng đến Bảo sở (quả Phật), cũng gọi là Thinh Văn thừa.
254. TỌA THIỀN : Phàm tĩnh tọa quán tưởng, chú tâm một chỗ khiến vọng tưởng chẳng khởi mà đạt đến tâm trí yên định, đều gọi là tọa thiền.
255. TÔ TẤT ĐỊA : Dịch là Diệu Thành Tựu, nghĩa là sự thành tựu bất khả tư nghì.
256. TỔ SƯ : Sư phụ của các Tông phái, có đủ năng lực truyền pháp cho đệ tử, thông thường Phật giáo đồ gọi vị ấy là Tổ sư.
257. TÔNG ĐỒ TRI GIẢI : Tông là Thiền tông, đồ là môn đồ. Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ quở Thần Hội rằng : “Ngươi sau này dù ra hoằng pháp cũng chỉ là một môn đồ đủ tri giải của Thiền tông mà thôi” (Tri giải là chướng ngại sự khai ngộ).
258. TÔNG THỪA : Tức là Thiền tông, cũng gọi là TỔ SƯ THIỀN, là pháp thiền trực tiếp do Phật Thích Ca đích thân truyền cho Sơ tổ MA HA CA DIẾP.
259. TÒNG LÂM : Lâm là rừng, nhiều cây tụ lại một chỗ gọi là Tòng. Xưa nay Thiền tông dùng danh từ này để xưng hô Thiền viện. Ở Trung Quốc, có những Tòng lâm có thể dung nạp hai ba ngàn hành giả tham thiền cùng sinh hoạt tu hành.
260. TỔNG TRÌ : Tổng tất cả pháp, trì tất cả nghĩa. Tổng trì tất cả pháp nghĩa, chẳng thiếu sót một pháp một nghĩa.
261. TRÊN ĐỈNH CÔ PHONG : Chỗ đỉnh núi cao tột, dụ cho kẻ kiến tánh mới có đủ tư cách cư trú tại đó.
262. TRI KHÁCH : Trong Tòng lâm, người tiếp đãi tân khách, có quyền nhận chúng. Người cầu nhập chúng phải qua Tri khách thẩm vấn, nếu Tri khách không chấp nhận thì không được ở lại.
263.TRI KHỐ : Người quản lý tiền tài, vật chất, lương thực trong Tòng lâm.
264. TRI LIÊU : Người quản lý các liêu phòng, trong coi chỗ ở của Tăng chúng.
265. TRÌNH GIẢI : Là trình kiến giải hoặc sở ngộ của mình để xin thầy ấn chứng.
266. TRI SỰ : Người quản lý, điều động nhân sự trong Tòng lâm.
267. TRI TẠNG : Người quản lý về kinh sách của Tòng lâm.
268. TRI VIÊN : Cũng gọi là Viên đầu, người trong coi vườn tược tròng trọt ở Tòng lâm.
269. TRUNG ĐẠO : Chẳng lọt hai bên tương đối gọi là Trung đạo, cũng chẳng trụ nơi chính giữa.
270. TRUYỀN ĐĂNG : Tổ Sư Thiền do Tổ Sư từ đời, từ đời truyền xuống giống như đèn này truyền qua đèn kia, một đèn có thể truyền sang muôn ngàn đèn, mọi đèn đều sáng tỏ. Cái ánh sáng của đèn số một (Sơ Tổ) cũng không giảm bớt một tí.
271. TRUYỀN TÂM PHÁP YẾU : Tổ Sư Thiền Tông đem yếu chỉ tham thiền đời đời tương truyền cho thiền giả, y theo pháp yếu tu tập thì được minh tâm kiến tánh, giải thoát tất cả khổ, đạt đến tự do tự tại vĩnh viễn.
272. TRƯỚC TƯỞNG : Tư tưởng chấp thật.
273. TU ĐA LA : Dịch là khế kinh, tức là kinh điển khế hợp căn cơ trình độ chúng sanh, cũng là đúng theo ý Phật.
274. TỤC ĐẾ : Tự tánh bất nhị chẳng thể diễn tả, nay vì muốn độ người thế tục nên miển cưỡng chia làm hai mặt (bề mặt và bề trái) để diễn tả. Việc dùng lời nói phương tiện để diễn tả bề trái như bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm, phi hữu, phi vô v.v… gọi là Tục đế.
275. TƯ HOẶC : Cố chấp cái tư tưởng sai lầm là Tư hoặc.
276.TỨ BẤT KHẢ KHINH : 1.Thái tử dù nhỏ sẽ làm Quốc vương nên bất khả khinh. 2.Con rắn dù nhỏ, độc hay giết người, nên bất khả khinh. 3.Ngọn lửa dù nhỏ, hay sanh hỏa hoạn, nên bất khả khinh. 4.Sa Di dù nhỏ hay chứng Thánh quả nên rất bất khả khinh.
277. TỨ BẤT KHẢ THUYẾT : 1.Sanh sanh bất khả thuyết ; 2.Sanh bất sanh bất khả thuyết ; 3. Bất sanh sanh bất khả thuyết; 4. Bất sanh bất sanh bất khả thuyết.
278.TỨ CÚ : Là có, không, chẳng có chẳng không, cũng có cũng không. Phàm tương đối đều ở trong Tứ cú như chân, giả, nói, nín v.v… (Chân, giả, chẳng chân chẳng giả, cũng chân cũng giả; nói, nín, chẳng nói chẳng nín, cũng nói cũng nín). Tất cả tri kiến tư tưởng của người đời đều chẳng ra ngoài Tứ cú này.
279. TỨ ĐẠI : Vật chất thuộc cố thể là địa đại, dịch thể là thủy đại, nhiệt độ là hỏa đại, khí thể là phong đại, nói chung là Tứ đại.
280.TỨ LIỆU GIẢN : Đoạt cảnh chẳng đoạt nhân, Đoạt nhân chẳng đoạt cảnh, Cảnh nhân đều đoạt, Cảnh nhân đều chẳng đoạt.
281. TỨ NHIẾP PHÁP : 1.Bố thí nhiếp: Đối với người ham tài thì bố thí tài, người ham pháp thì bố thí pháp. 2.Ái ngữ nhiếp: Dùng ngôn ngữ ôn hòa từ ái khiến người sanh tâm hoan hỷ. 3. Lợi hành nhiếp: Dùng hành vi tổn mình lợi người để cảm hóa người. 4.Đồng sự nhiếp: Tự hạ địa vị mình vì độ kẻ hạ tiện thì đồng sự với kẻ hạ tiện; vì độ kẻ ăn xin thì đồng sự với kẻ ăn xin, cho đến vì độ chó, heo thì đồng sự với chó, heo (đầu thai thành chó, heo).
282. TỨ TẦM TỨ QUÁN : 1.Danh tự tầm tư: Truy cứu danh tự của tất cả pháp đều chẳng thật. 2.Sự tướng tầm tư: Truy cứu mỗi mỗi sự tướng hiện tượng trên thế giới đều do tâm thức biến hiện, nhân duyên sở hành lìa thức chẳng có. 3.Tự tánh giả lập tầm tư: Truy cứu tự tánh của danh tự và sự tướng, chỉ là phương tiện giả lập, tánh độc lập đều bất khả đắc. 4.Sai biệt giả lập tầm tư: Truy cứu các tướng sai biệt của danh hoặc sự cũng đều giả lập chẳng thật.
283. TỨ THIỀN BÁT ĐỊNH : Là Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, là bốn lớp thiền của cõi trời Sắc giới. Có thiền là có định, nên Tứ thiền cũng là bốn thứ định, cộng thêm bốn thứ định của cõi trời Tứ không (Vô sắc giới) thành tám thứ định, gọi chung là Tứ thiền Bát định.
284. TỨ THIỀN BỆNH : Là tác (làm), chỉ (ngưng), nhậm (mặc kệ), diệt. Sự kiến tánh chẳng do tác, chẳng do chỉ, chẳng do nhậm, chẳng do diệt, nếu chấp vào thì thành bệnh. Nhưng người chưa kiến tánh thì có thể dùng làm thuốc.
285. TỨ TRÍ : Duy thức tông chuyển Bát thức thành Tứ trí: chuyển Tiền ngũ thức thành “Thành sở tác trí”, chuyển thức thứ sáu thành “Diệu quan sát trí”, chuyển thức thứ bảy thành “Bình đẳng tánh trí”, chuyển thức thứ tám thành “Đại viên cảnh trí”. Hoàn thành tác dụng mà chẳng phân biệt gọi là Thành sở tác trí, quan sát thấu triệt mà chẳng qua sự tác ý gọi là Diệu quan sát trí, phá hết ngã chấp, thấy các pháp bình đẳng gọi là Bình đẳng tánh trí, như gương tròn soi khắp mười phương thế giới chẳng có chỗ thiếu sót gọi là Đại viên cảnh trí.
286. TỨ VÔ NGẠI TRÍ : 1.Thông đạt danh tự của các pháp vô ngại, gọi là Pháp vô ngại trí. 2.Thông đạt tất cả các nghĩa lý vô ngại, gọi là Nghĩa vô ngại trí. 3.Hay dùng đủ thứ từ ngữ phương tiện thí dụ tùy nghi diễn thuyết gọi là Từ vô ngại trí. 4.Nơi các pháp nghĩa viên dung vô ngại, khéo thuyết tự tại, khiến chúng sanh dễ được tín giải thọ trì, gọi là khéo Thuyết vô ngại trí. Nói chung là tứ vô ngại trí.
287. TỨ Y PHÁP (Y là căn cứ theo) : 1.Y pháp bất y nhân. 2.Y nghĩa bất y ngữ. 3.Y trí bất y thức. 4.Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa.
288. TỪ BI : Từ là ban vui cho người, Bi là cứu khổ cho người. Phật pháp nói Vô duyên từ, đồng thể bi. Vô duyên thì chẳng có năng sở nên chẳng có năng thí sở thí. Đồng thể thì chẳng phân biệt mình với người nên khổ của người tức là khổ của mình, vui của người tức là vui của mình.
289. TỰ TÁNH : Bản thể của tâm vô hình vô thanh cùng khắp thời gian không gian, cái dụng cũng cùng khắp như thế chẳng cần qua tác ý mà ứng dụng tự động. Chúng sanh với chư Phật bình đẳng bất nhị.
290. TỶ LƯỢNG : Người tu chánh pháp giải ngộ, dùng thí dụ để thuyết minh thực tướng của hiện lượng, khiến người phát khởi tín giải, gọi là Tỷ lượng.
291. VIÊN GIÁC : Là giác ngộ bản thể tự tánh vốn viên mãn, cùng khắp thời gian không gian.
292. VIỆN CHỦ : Ở Trung Quốc, viện chủ là vị chủ nhiệm một tòa nhà trong Tòng lâm, ở dưới quyền vị Trụ trì.
293. VÔ KHẨU : Vô khẩu thì vô thuyết vô thị (khai thị), gọi là chân thuyết; vô thuyết thì vô thính vô văn (nghe), gọi là chân văn.
294. VÔ KÝ KHÔNG : Kẻ tham thiền nếu chẳng có nghi tình, cũng chẳng có vọng tưởng, trong tâm giống như một tờ giấy trắng, tức lọt vào Vô ký không, là thuộc về thiền bệnh.
295. VÔ LẬU : Không có tập khí phiền não là vô lậu.
296. VÔ NIỆM : Tức là bán niệm sẳn có, chẳng nổi một niệm nào khác. Nghĩa là nơi Thế lưu bố tưởng chẳng sanh ra trước tưởng, chẳng phải trăm điều chẳng nghĩ, nếu trăm đều chẳng nghĩ là niệm tuyệt đều chẳng phải bản ý của vô niệm.
297. VÔ MINH : Một niệm chưa khởi là vô thủy vô minh, một niệm mới khởi liền thành nhất niệm vô minh. Tiền niệm diệt, hậu niệm sanh, sanh diệt tương tục thì thành sanh tử luân hồi.
298. VÔ SANH : Vô sanh tức vô thủy,vô thủy tức vô sanh, như con gà với trứng gà đều chẳng có sự bắt đầu tức là hiển bày nghĩa vô sanh.
299. VÔ THỦY : Vũ trụ vạn vật đều chẳng thể tìm tòi sự bắt đầu, vì thời gian vốn chẳng trước sau, nói trước chẳng có thủy, nói sau chẳng có chung, đây là cái nghĩa các pháp vô sanh.
300. VÔ THỦY VÔ MINH : Trước khi một niệm chưa sanh khởi gọi là vô thủy vô minh. Đây là nguồn gốc của ý thức, thiền tông gọi là thoại đầu, cũng gọi là đầu sào trăm thước. Khi ấy trong tâm thanh thanh tịnh tịnh chưa có ý thức phân biệt, khi bị ngoại cảnh kích thích nổi lên một niệm thì trở thành nhất niệm vô minh.
301. VÔ TRỤ : Chẳng chấp thật thì chẳng trụ một cú nào trong tứ cú, ngay khi đó tự tánh hiện hành, lìa tương đối mà nhập vào cảnh giới tuyệt đối.
302. VÔ TƯỚNG : Cảnh giới do lục căn tiếp xúc lục trần cảm biết được, nếu chấp là thật thì có tướng, nếu không chấp là thật thì vô tướng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét