Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

BÍ PHÁP LUYỆN ĐẠO

Bản tiếng Anh xin bấm vào đây:
English version

Giới Thiệu
Tài liệu này do Bát Nương Diêu Trì Cung giáng dạy cho Từ Huệ (Hiền Tài Nguyễn văn Mới, Tốc Ký Viên của Đức Hộ Pháp)qua hình thức chấp bút. Bát Nương dạy Từ Huệ đem về hiến tặng Hội Thánh Tây Ninh làm tài liệu học tập cho Vạn Pháp Cung và Trí Huệ Cung. Từ Huệ đã thực hiện đúng theo lời dạy của Nữ Phật. Các vị chức sắc cao cấp đã rất nhiệt tình tiếp nhận tài liệu này, nhưng vì tình thế Đạo lúc đó rất khó khăn, không biết đến bao giờ mới có thể phổ biến cho các Tịnh Thất được. Cho nên các vị chức sắc xin hẹn đến khi nào có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Đối với thế giới, tịnh luyện không còn là lãnh vực bí hiểm nữa. Các nhà khoa học đã có những bước tiến rõ rệt trong việc chứng minh ý thức con người có thể ra khỏi xác thân – Cao Đài gọi là xuất Chơn Thần. Mời click vào sau đây để xem thêm: 5 ways to leave your body . Chỉ tiếc một điều, chúng ta có Bí Pháp trong tay thì lại không có điều kiện thực hiện!
Cho đến nay, đã là 2011,cơ đạo vẫn chưa biến chuyển thuận lợi. Từ Chơn xin mượn mạng lưới internet, trước là phổ biến đến toàn thể tín đồ Cao Đài Giáo tài liệu quí giá này; sau là lưu trữ cho những thế hệ sau này nghiên cứu và phát triển. 
Tác giả không mong gì hơn là góp chút sức nhỏ nhoi của mình vào bộ máy vũ trụ mênh mông đang vận hành của Đức Chí Tôn. Cầu xin Đại Từ Phụ ban hồng ân cho tất cả con cái của Ngài.



 BÍ PHÁP LUYỆN ĐẠO
BÁT NƯƠNG DIÊU TRÌ CUNG GIÁNG BÚT

TỪ HUỆ CHẤP BÚT
Kỉ Mùi 1979




             
 THAY LỜI TỰA
  
Lời của Bát Nương sau khi quyển BÍ PHÁP LUYỆN ĐẠO  được hoàn tất :
“ Người có căn cơ cao trọng khi đọc quyển này cảm thấy say mê hứng thú. Đọc đi đọc lại nhiều lần, cân nhắc kĩ càng , sẽ thấu đáo đến tận cùng chơn lý, rồi hạ quyết tâm hành pháp một cách trang nghiêm, siêng năng. Kết quả sẽ đạt thành ý nguyện.
Kẻ không có duyên phần khi đọc quyển này cảm thấy hoang mang lo lắng, nghi ngờ bị mê hoặc bởi tả đạo bàng môn, nên trong khoảnh khắc lãng quên không luyến tiếc.”

                                                  BÁT NƯƠNG DIÊU TRÌ CUNG

  

 Cổng Trí Huệ Cung

Đêm 14 rạng 15 tháng 4 năm Kỉ Mùi (1979)

Bát Nương mừng các con.
Thể theo lời xin của các con, mà cũng để làm tròn lời hứa của Bát Nương, kể từ ngày nay, mỗi đêm Từ Huệ chấp bút, Bát Nương sẽ chỉ dạy về bí pháp luyện đạo - tức là luyện tam bửu hay luyện tinh khí thần hiệp nhất.
Từ xưa đến nay, Đức Hộ Pháp chưa dạy cho ai đến tận tường rốt ráo. Nếu có cũng chỉ phớt qua, chờ vào Trí Huệ Cung mới dạy thực sự. Bát Nương cũng vậy, Bát nương chưa hề dạy cho ai. Nay các con may duyên hữu phước, mà cũng bởi tiền căn của các con nên Bát Nương được sự đồng ý của Đức Hộ Pháp, về chỉ dạy các con bí pháp luyện đạo. Sau này, Từ Huệ về Vạn Pháp Cung chỉ lại cho các chơn linh cao trọng muốn đến đó để luyện đạo.
Tại sao phải về Vạn Pháp Cung mới luyện đạo được ?
Bởi nơi đó là khu địa linh, dương khí rất nhiều, tiếp điển dễ dàng nên Đức Lý Giáo Tông và Đức Phạm Hộ Pháp đã sẳn chọn và dành riêng cho các chơn linh cao trọng thuộc nam phái luyện đạo.
Từ nay, mỗi đêm Bát Nương sẽ chỉ dạy một ít. Sau cùng, Từ Huệ sẽ soạn thành từng tập để theo đó mà luyện đạo.
Luyện đạo không phải dễ mà cũng không phải khó. Khó dễ tại tâm. Phật tại tâm là như vậy.
Luyện đạo còn tùy thuộc rất nhiều vào tiền căn của các con nữa. Các con có tiền căn cao trọng thì mới gặp chơn sư chỉ dạy bí pháp luyện đạo tận tường, cao siêu rốt ráo. Nhưng khi gặp rồi, các con còn phải kiên tâm, trì chí, đeo đuổi tới cùng. Có như vậy mới không uổng một kiếp tu.
Luyện đạo là con đường thứ ba của đại đạo. Con đường thứ nhất là đi theo hội thánh Cửu Trùng Đài, phổ độ chúng sanh, lập công với Đức Chí Tôn để về với Đức Chí Tôn sau khi chết. Con đường thứ hai là đi theo hội thánh Phước Thiện, lo nuôi sống thi hài chúng sanh, lập đức với Đức Chí Tôn để về với Đức Chí Tôn sau khi chết. Con đường thứ ba là con đường tu chơn do hội thánh Hiệp Thiên Đài dìu dắt. Con đường này dành cho những vị nào có tiền căn cao trọng, theo đó mà luyện đạo để về với Đức Chí Tôn trước khi chết.
Luyện đạo không khó, chỉ khó ở chỗ các con có làm được hay không, có tín ngưỡng tuyệt đối nơi Đức Chí Tôn hay không. Đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp là như vậy.
Bởi Đạo huyền vi, mầu nhiệm của trời đất là quyền năng thiêng liêng của Đức Chí Tôn điều khiển càn khôn vũ trụ. Đạo là ngôi vị thiêng liêng của nguyên nhân, quỉ nhân, hóa nhân. Cho nên muốn luyện đạo, biết đạo, thấy đạo, chúng ta buộc phải có một tấm lòng thành khẩn và tín ngưỡng tuyệt đối vào Đức Chí Tôn. Rồi nhiên hậu, Đức Chí tôn sẽ cho chúng ta toại nguyện.
Cũng như các khoa học gia ngày nay chuyên về không gian vũ trụ thành khẩn tin tưởng rằng: ngoài không gian vũ trụ bao la kia, còn có hàng tỉ tỉ thiên thể khác. Họ tìm cách đến nơi để quan sát, nhiên hậu họ cũng đến được. Họ đến bằng thể xác hữu hình, bằng phương tiện khoa học. Ta đến bằng chơn thần huyền diệu, bằng bí pháp luyện đạo, bằng phương tiện tâm linh. Duy có khác về phương cách nhưng kết quả không có gì khác nhau.
Luyện đạo không phải một ngày một bữa, mà chia ra nhiều đợt, mỗi đợt 100 ngày. Nếu đợt này không có kết quả thì nghỉ ngơi ít lâu, rồi làm lại đợt sau. Làm hoài như vậy cho đến khi nào có kết quả mới thôi
Ngày xưa, luyện đạo thì nhiều mà đạt đạo rất ít. Chỉ vì ta thiếu kiên tâm trì chí, nhiều khi gần thành công lại bỏ cuộc.




Đêm 15 rạng 16 tháng 4 năm Kỉ Mùi (1979)

Bác Nương mừng các con.
Đêm nay, Bát Nương giảng tiếp về bí pháp luyện đạo.
Trước khi luyện đạo phải qua hai thời kỳ là nhơn đạo và thiên đạo. Nhơn đạo là lo cho mình, thiên đạo là lo cho người khác. Hai phần này lo xong tức là đã trả nợ tiền khiên và nợ hiện tại. Nợ tiền khiên tức là nợ chúng ta vay từ muôn kiếp trước. Nợ hiện tại tức là nợ sinh thành dưỡng dục, nợ ngọn rau tấc đất, nợ cố tình hay nợ vô tình.
Nhơn đạo: nam thì tam cang, ngũ thường; nữ thì tam tùng, tứ đức.
Thiên đạo: nam nữ đều phế đời hành đạo, phổ độ chúng sanh, hoằng khai đại đạo
Đức Hộ Pháp đã có nói:” Muốn vào Trí Huệ Cung, mọi người buộc phải đủ tam lập hoặc một phần trong tam lập.” Tam lập là gì ? Là lập công, lập đức, lập ngôn. Ba phần này mục đích cũng để trả nợ tiền khiên. Trả xong nợ này, các con mới mong lập ngôi vị nơi cõi thiêng liêng hằng sống.
1.     Lập công:
            - Lập công đối với cá nhân: nam tròn tam cang, nữ tròn tam tùng; tức là lo cho mình.
            - Lập công đối với hội thánh: nam hay nữ đều theo hội thánh Cửu Trùng Đài, phổ độ và giáo hóa chúng sanh. Ay gọi là lập công với Đức Chí Tôn.
2.     Lập đức:
           - Lập đức đối với cá nhân: nam tròn ngũ thường, nữ tròn tứ đức; tức là làm tròn bổn phận đối với người khác.
           - Lập đức đối với hội thánh: nam hay nữ đều theo hội thánh Phước Thiện làm ra của cải để cứu vớt chúng sanh, nuôi sống thi hài toàn đạo. Ay gọi là lập đức với Đức Chí Tôn.
3.     Lập ngôn:
           Nam hay nữ đều dùng lời nói của mình thuyết đạo hay là viết sách dạy dỗ chúng sanh biết hồi đầu hướng thiện, tu tâm dưỡng tánh, biết lập công, lập ngôn, lập đức như mình; tức là dìu dắt vạn linh hiệp nhất linh.
Mọi người buộc phải có đủ tam lập hoặc một phần trong tam lập mới được vào Trí Huệ Cung hoặc Vạn Pháp Cung; ngoại trừ hội thánh ban ân riêng. Luyện đạo ở vào tuổi 40 đến 60 thì tốt nhất. Khi vào Trí Huệ Cung hoặc Vạn Pháp Cung phải có thời khóa biểu rõ ràng mới có kết quả.


                                                
 Trí Huệ Cung




BÍ PHÁP LUYỆN ĐẠO

PHẦN GIÁO LÝ

Luyện đạo tức là luyện tam bửu.
Tam bửu là gì ? Là Tinh, Khí, Thần.
Vậy luyện tam bửu là luyện tinh khí thần hiệp nhất. Ngày xưa khi luyện đạo,  người ta nói: luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần, luyện thần hườn hư là như vậy.
TINH:
Tinh là thể xác của các con. Người ta gọi là thể xác, xác phàm, thân thể hay là gì gì đi nữa thì cũng là thể xác của các con mà thôi. Thể xác của các con là vật thể hữu hình, có thể thấy được, sờ được. Nó gồm có đầu, mình và tay chân; bên trong còn có ngũ tạng, lục phủ nữa. Khoa học ngày nay có thể giải phẫu từng bộ phận nhỏ của cơ thể người ta. Họ dùng kính hiển vi điện tử xem xét từng bộ phận, từng tế bào nhỏ li ti. Từ đó họ rút ra kết luận: thân thể người ta gồm hàng tỉ tỉ tế bào hợp lại. Những tế bào này hoạt động, vận hành từng giờ, từng phút, từng giây. Chúng cũng thay đổi từng giờ, từng phút, từng giây để cung cấp sự sống cho con người.
Thật ra những tế bào này chịu ảnh hưởng của thời tiết: nóng, lạnh, gió, mưa của trời đất. Chúng hấp thụ tinh ba của vật chất  để sống. Cái sống của chúng có thanh và trượt. Thanh-trượt tùy theo vật chất đưa vào. Nếu vật chất thanh thì thể xác thanh, vật chất trượt thì thể xác trượt. Vật chất thanh thì con người khôn ngoan, cường liệt. Vật chất trượt thì con người đần độn, ngu si, tư tưởng không ra khỏi được tứ đổ tường -tức là tửu, khí, tài, sắc. Vật chất thanh gồm tinh ba ngũ cốc, thảo mộc. Vật chất trượt gồm tinh ba cá thịt, kể cả tôm, cua, sò, ốc, trứng. Thể xác thanh thì luyện đạo dễ dàng. Vậy nếu thể xác trượt thì ta phải làm cho hết trượt thì mới luyện đạo được.
KHÍ:
Khí là trí não của con người, gồm có hai phần: hữu hình và bán hữu hình
Phần hữu hình: có đầu và óc. Bộ óc là phần chỉ huy sự hiểu biết của con người. Óc ở trong xương sọ, trên là mỏ ác. Bên trong, giữa mỏ ác và óc là nê hườn cung. Phía trước là trán. Bên trong, giữa óc và trán là huệ  quang khiếu. Huệ quang khiếu ở chỗ giáp mí giữa hai con mắt.
Phần bán hữu hình: là nê hườn cung và huệ quang khiếu. Hai phần này không thấy mà biết có. Cũng giống như không khí của trời đất. Không khí không thấy mà biết có là nhờ gió, mây. Nê hườn cung và huệ quang khiếu không thấy mà biết có là nhờ có sự sáng suốt khác thường của những bậc vĩ nhân và những vị Bồ Tát.
THẦN:
Thần là linh hồn của chúng ta, là sự sống của con người. Phần này hoàn toàn vô vi, không sờ thấy được; nhưng ta biết có vì không có linh hồn con người phải chết.
Tóm lại:
Tinh là thể xác của con người. Không có thể xác thì không thể có con người hiện tại được. Có thể xác mà không có linh hồn thì con người là một khúc cây không hơn không kém. Có linh hồn là có sự sống. Có thể xác, có linh hồn mà không có trí não tức là người điên. Có trí não, con người mới khôn ngoan, sáng suốt. Con người nếu thiếu một trong tam bửu thì là người điên hoặc là người chết. Vì vậy, ba món báu đó là bửu bối vô giá.

Bây giờ đến việc luyện tam bửu, tức là:
- Luyện tinh hóa khí: luyện thể xác biến thành hơi (công tham Thái Cực).
- Luyện khí hóa thần: luyện hơi xuất chơn thần (phá nhứt khiếu chi huyền quang).
- Luyện thần huờn hư: làm cho chơn thần về với Đức Chí Tôn (tánh hiệp vô vi , thống tam tài chi bí chỉ).
1.     LUYỆN TINH HÓA KHÍ:
Tại sao phải luyện tinh hóa khí ? Tinh là thể xác, nhưng tại sao phải luyện ? Luyện đây có nghĩa là tôi luyện, rèn luyện, đào luyện; bởi vì  thể xác con người do tinh ba vật chất mà thành. Tinh ba vật chất có thứ thanh thứ trượt. Ngoài ra, bên trong thể xác còn có lục phủ, ngũ tạng. Vì có lục phủ, ngũ tạng nên có lục dục, thất tình; khiến cho con người gây nhiều tội ác, làm cho linh hồn chìm đắm, luân hồi. Cũng vì thế mà linh hồn trở về với Đức Chí Tôn rất khó khăn.
Luyện tinh hóa khí có nghĩa là thanh lọc vật chất trượt ra khỏi thể xác, làm cho thể  xác cường tráng, trong sạch, nhẹ nhàng. Thể xác mà cường tráng trí não mới khôn ngoan sáng suốt. Thể xác trong sạch trí não mới có tư tưởng thanh cao. Thể xác nhẹ nhàng trí não mới huớng thượng. Làm cho thể xác cường tráng, trong sạch, nhẹ nhàng tức là luyện tinh hóa khí.

Luyện tinh hóa khí có nghĩa là đem chất trong sạch của thể xác bồi dưỡng cho trí não, hay nói cách khác: biến tinh chất trong sạch của thể xác thành một chất hơi, rồi đem chất hơi này- gọi là Âm Dương khí lên óc, bồi dưỡng óc, tức là bồi dưỡng trí não; mà sự sáng suốt của trí não là khí đó vậy.
- Muốn thể xác cường tráng, ta phải tập thể dục sáng, chiều và phải lấy Tiên Thiên Khí nuôi Hậu Thiên Khí.
- Muốn thể xác trong sạch, ta phải bỏ lục dục, thất tình; nói chung là phải bỏ nhơn dục.
- Muốn thể xác nhẹ nhàng , ta phải trường trai, tuyệt dục. Trường trai tức là đem vật chất thanh nuôi thể xác, tuyệt dục là không dâm dục, không có tư tưởng dục tình, tức là không cho chất thanh hao tán, tức là phải nghịch chuyển.
Muốn thể xác cường tráng, ta phải tập thể dục sáng chiều. Như các con đã biết, thân thể người ta do vật chất tạo thành, nó đi từ không ra có. Cũng như trời đất từ hư vô biến sanh thái cực, thái cực sanh lưỡng nghi, sanh tứ tượng, sanh bát quái, rồi sanh hóa vô cùng để tạo thành càn khôn vũ trụ. Vật chất dầu lớn dầu nhỏ đều phải vận hành để biến hóa cho phù hợp với luật dinh hư tiêu trưởng của Đức Chí Tôn. Con người cũng vậy, thể xác con người do vật chất tạo thành, nó có hàng tỉ tỉ tế bào hợp lại, quấn quít vào nhau để tạo thành sự sống cho con người. Chính những tế bào này cũng có sự sống riêng của nó nữa; nó sống nhờ không khí của trời đất qua hơi thở, gọi là Tiên Thiên khí và cũng nhờ tinh ba vật chất tức là thức ăn qua đường miệng, gọi là Hậu Thiên khí. Tiên Thiên khí hòa hợp với Hậu Thiên khí mới tạo thành sự sống cho con người.
Tập thể dục mỗi ngày là thúc giục ngũ tạng, lục phủ vận hành, đem Tiên Thiên khí và Hậu Thiên khí vào tận ngõ hẻm của hàng tỉ tỉ tế bào nuôi sống nó. Nó sống tức là con người sống đó vậy. Thực ra, con người mỗi ngày đều có tập thể dục: đi đứng nằm ngồi là thể dục, suy tư, làm việc là thể dục. Tuy nhiên, thể dục như vậy là không điều hòa và không đầy đủ. Bây giờ luyện tinh hóa khí phải tập thể dục là để phụ thêm phần thể dục tự nhiên đó.
Tiên Thiên khí là khí của trời đất, Hậu Thiên khí là tinh ba của vật chất. Nói theo khoa học thì hồng cầu là tinh ba vật chất, hồng cầu hấp thụ không khí của trời đất tại buồng phổi, tức là hấp thụ Tiên Thiên khí, rồi hồng cầu trở nên tươi nhuận, mạnh mẽ thêm lên, đem không khí đi tận cùng ngõ hẻm của cơ thể để nuôi hàng tỉ tỉ tế bào.
Con người mỗi ngày đều có sự phối hợp giữa Tiên Thiên khí và Hậu Thiên khí qua sự hít thở tại buồng phổi, qua sự ăn uống của tì vị. Tuy nhiên, sự phối hợp tự nhiên này không đủ sức ép để đưa Tiên Thiên khí và Hậu Thiên khí đến tận cùng ngõ ngách của các tế bào nhỏ nhất, nhất là những tế bào li ti nơi óc. Như vậy, tập thể dục mỗi ngày của phần luyện tinh hóa khí là vận động đầu, cổ, tay, chân, hít thở mạnh mẽ để tạo sinh lực cho thể xác cường tráng đó vậy. Phần thể dục này, khi vào Trí Huệ Cung hay Vạn Pháp Cung, phải có giờ giấc và cách thức rõ ràng mới có kết quả.
Đến phần lấy khí Tiên Thiên nuôi khí Hậu Thiên của phần luyện đạo thực hành là khác. (Sẽ nói rõ ở phần sau).



                                                           



Đêm 16 rạng 17 tháng 4 năm Kỉ Mùi (1979)

Bác Nương mừng các con.
Đêm nay Bác Nương giảng tiếp về Bí Pháp luyện đạo.
Muốn thể xác trong sạch, ta phải bỏ lục dục thất tình. Muốn bỏ lục dục thất tình, ta phải biết lục dục là gì. Khi biết rồi bỏ mới được, không phải một ngày một tháng mà bỏ được bởi linh hồn sống với lục dục thất tình như là người ghiền á phiện, như con người bị ràng buộc vào tứ đổ tường. Muốn thoát khỏi nó, con người phải có một ý chí mãnh liệt.
Bây giờ trở lại lục dục thất tình. Lục là sáu, dục là muốn. Lục dục là sáu phần muốn. Sở dĩ có sáu phần muốn là do lục căn tiếp xúc với lục trần sinh lục thức, rồi lục thức tiếp xúc  với lục trần sinh lục dục. Lục là sáu, thức là biết.

Lục căn  tiếp xúc   Lục trần    sinh ra       Lục thức 
Mắt      -         Sắc                        Nhãn thức 
Tai             Thinh-                        Nhĩ thức 
Mũi -           Hương                         Tỉ thức    
Lưỡi             Vị              -             Thiệt thức 
Thân            Xúc                           Thân thức   
Ý               Pháp      -                     Ý thức

Lục thức tiếp xúc  Lục Trần     sinh ra      Lục dục
Nhãn thức            Sắc                     Sắc dục
Nhĩ thức             Thinh                   Thinh dục
Tỉ thức              Hương                   Hương dục
Thiệt thức           Vị                      Vị dục
Thân thức            Xúc                     Xúc dục
Ý thức               Pháp                    Pháp dục


Có lục dục mới sinh ra thất tình. Thất tình là: hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục. Tình dục là tình duy chủ, tình dục là tình quan trọng. Con người làm chủ được tình dục thì  con người mới có thể trở thành Phật, Tiên, Thánh. Con người có lục dục thất tình là con người có món bửu bối vô giá. Con người hơn con vật là con người có lục dục thất tình. Lục dục thất tình như con dao hai lưỡi, nó có thể làm cho con người ta thăng hay đọa. Đức Chí Tôn muốn cho con người hơn con vật nên Đức Chí Tôn cho con người có lục dục thất tình. Đồng thời, Đức Chí Tôn lại cho con người một điểm linh quang để soi sáng lục dục thất tình và quyết định nên-hư, còn-mất. Chơn linh nào nghe theo điểm linh quang thì thăng, chơn linh nào không nghe theo thì đọa. Điểm linh quang đó người ta gọi là lương tâm.
Mọi hành động do lục dục thất tình gây ra đều có lương tâm phán xét. Khi phán xét, lương tâm cho con người biết đâu là phải, đâu là quấy, đâu là chánh, đâu là tà. Biết phân biệt chánh-tà mà còn làm quấy thì đọa, làm phải thì thăng. Thăng-đọa hai đường chỉ cách nhau một màn mỏng. Mỗi hành động đều có lương tâm phán xét, phán xét rồi biết được chánh-tà. Chánh-tà chỉ cách nhau một phần ngàn milimét mà thôi. Xê một chút có thể từ chánh sang tà và ngược lại. Con người hơn con vật chỉ trong một phần ngàn milimét đó. Bát Nương sẽ dùng từ ngữ thông thường và hiện đại để diễn tả chi tiết cho các con dễ hiểu mà luyện đạo.
Tạo sao lục dục thất tình làm cho con người sa đọa ?
Nhãn là mắt. Mắt nhìn thấy các sắc tướng của đời rồi đam mê, ham muốn nên gọi là nhãn dục. Nhĩ là tai. Tai nghe âm thanh trầm bổng, giọng huyễn, tiếng kèn, rồi cũng đam mê. Tất cả ham muốn, đam mê do lục dục gây ra gọi là nhơn dục. Nhơn dục khác với thiên lý. Thiên lý là chánh, là phải. Nhơn dục là tà, là quấy. Thiên lý là đạo, nhơn dục là đời. Đạo-đời lẫn lộn. Tuy nhiên, phân biệt được chánh-tà, phân biệt được đời-đạo là nhờ lương tâm quyết định.
Ý đại diện cho thể xác. Ý có một điển lực mạnh mẽ do điểm linh quang điều khiển. Điểm linh quang là lương tâm. Lưong tâm cũng đại diện cho linh hồn. Linh hồn tiếp xúc với thể xác để nương theo thể xác, nhờ thể xác có những tác động hữu hình mà lập công đoạt vị. Nhưng vì thể xác vương vấn với vật chất, chịu ảnh hưởng của vật chất; mà vật chất là đời, là phàm, nên bị quyến rũ.
Linh hồn là thiên lý, là đạo. Đạo đời khó phân biệt tà-chánh, phàm-thánh quấn quít nhau, có lúc phàm mạnh mà cũng có lúc thánh mạnh. Phàm là đời, là quấy; thánh là đạo, là phải.
Việc lựa chọn phải-quấy do điểm linh quang quyết định, điều khiển. Nhưng có nhiều khi ý tuân  theo điểm linh quang, cũng có nhiều khi ý không tuân theo điểm linh quang. Cho nên, khi nào vật chất đầy đủ thì đời mạnh.Ý ngã theo đời, thì linh hồn phải đọa. Khi nào tinh thần đầy đủ thì đạo mạnh.Ý ngã theo đạo, thì linh hồn được thăng. Thăng-đọa chỉ cách nhau một màn mỏng. Tội-phước chỉ cách nhau một phần ngàn milimét đó mà thôi.
Nói đến đây chắc các con điên lên vì những từ ngữ và danh từ. Nào là ông Trời, Đức Chí Tôn, Thượng Đế, chơn linh, nhất linh; nào là linh hồn, vạn linh, chơn thần, điểm linh quang và ý. Để Bát Nương phân biệt có phần khoa học một chút cho các con dễ hiểu.
- Ông Trời là danh từ chỉ Thượng Đế tối cao, do người đời xử dụng thông thường.
- Đức Chí Tôn cũng chỉ Thượng Đế tối cao, do tín đồ Cao Đài xử dụng thông thường.
- Thượng Đế để chỉ Thượng Đế tối cao, do người Công giáo và nhiều tôn giáo sử dụng trong văn chương và trong giáo lý.
- Linh hồn là danh từ để chỉ sự sống của con người, bởi vì con người có ba phần tổng hợp: xác thịt, trí não và linh hồn. Xác thịt là vật thể hữu hình. Trí não là phần bán hữu hình. Linh hồn là phần vô hình. Ba phần này hiệp lại mới thành con người hiện tại.
- Vạn linh, chơn linh cũng chỉ về sự sống của con người do đạo Cao Đài sử dụng trong giáo lý nói về con người khi chết.
- Chơn thần cũng chỉ về sự sống của con người phần thiêng liêng lúc con người đắc đạo trước khi chết. Đạo Cao Đài sử dụng trong bí pháp luyện đạo.
- Điểm linh quang hay là lương tâm, đạo Cao Đài sử dụng để chỉ sự khôn ngoan hiểu biết của linh hồn.
- Ý hay ý nghĩ, đạo Cao Đài sử dụng chỉ sự khôn ngoan hiểu biết của xác thịt.
Vậy linh hồn có điểm linh quang hay là lương tâm đại diện, phụ tá hay là cố vấn. Còn xác thịt thì có ý đại diện, phụ tá hay cố vấn.
Khi luyện đạo, phải biết đểm linh quang hay là lương tâm, gọi tắt là tâm, quan trọng như thế nào. Và ý hay ý nghĩ, gọi tắt là ý, quan trọng như thế nào, thì mới luyện đạo được.
- Điểm linh quang tức là tâm ví như người kị mã.
- Ý tức là ý nghĩ, ví như con tuấn mã.
Người kị mã và con tuấn mã tuy hai mà một, tuy một mà hai. Bởi người kị mã muốn đến mục tiêu cách xa ngàn dặm phải nhờ con tuấn mã. Con tuấn mã đến được mục tiêu cách xa ngàn dặm phải nhờ người kị mã, tức là nhờ tâm. Nói như vậy để các con biết tâm và ý quan trọng như thế nào, liên hệ mật thiết như thế nào.
Những danh từ kia tuy nhiều nhưng không quan trọng, mà quan trọng là ý và tâm. Tâm khôn ngoan mà ý cũng khôn ngoan.Tâm khôn ngoan là để binh vực cho linh hồn. Ý khôn ngoan để binh vực cho xác thịt. Tâm khôn ngoan trong chân thật, vị tha. Ý khôn ngoan trong ích kỉ, vị ngã. Tâm khôn ngoan trong mục đích phục vụ chúng sanh. Ý khôn ngoan trong mục đích thụ hưởng.
Tâm là người kị mã, ý là con tuấn mã. Tâm phải khôn ngoan điều khiển con tuấn mã đi đến mục tiêu. Nếu không, người kị mã và con tuấn mã sẽ lẩn quẩn trên con đường ngàn dặm đó mà không bao giờ đi đến mục tiêu được.
Vậy thì tâm phải kềm ý  như người kị mã kềm con tuấn mã. Tâm kềm ý có nhiều cách, cũng như người kị mã có nhiều cách kềm con tuấn mã.
Nói tới đây, chắc các con đã hiểu đạo rồi. Mà một khi các con đã hiểu đạo thì các con hủy bỏ lục dục rất dễ dàng. Nhưng nếu các con chưa hiểu, Bát Nương cho thêm một ví dụ nữa. Con người ở thế gian này trước khi hành động điều gì đều có ý nghĩ hay ý định, ý muốn. Có ý nghĩ rồi mới hành động.
Vậy công thức thứ nhất là: Ý NGHĨ + HÀNH ĐỘNG
Ý nghĩ là con tuấn mã, hành động là nhảy lung tung. Nếu chỉ có ý nghĩ và hành động thì con tuấn mã chỉ biết chạy nhảy lung tung mà không đi đến đâu hết. Như vậy, con tuấn mã không có giá trị gì cả. Muốn có giá trị tuấn mã phải có người cỡi.
Thêm người cỡi, ta có công thức thứ hai: Ý NGHĨ + LƯƠNG TÂM + HÀNH ĐỘNG
Lục căn tiếp xúc lục trần sinh ra lục thức. Ví dụ: mắt thấy thoi vàng, biết thoi vàng là quí. Mắt là nhãn căn của lục căn, thoi vàng là sắc trần của lục trần, biết thoi vàng là quí là nhãn thức của lục thức. Biết quí, lại nhìn thoi vàng, muốn lấy thoi vàng. Biết quí là nhãn thức của lục thức, nhìn thoi vàng là sắc trần của lục trần, muốn lấy là nhãn dục của lục dục.
Bây giờ, muốn lấy thoi vàng là ý nghĩ, ý muốn hay ý định. Lấy thoi vàng bỏ túi là hành động. Đó là công thức thứ nhất. Trong công thức này, ta thấy tham lam không chơn chánh, con tuấn mã chạy nhảy lung tung không đi đến đâu, con tuấn mã phải có người cỡi nữa. Vậy ta đi vào công thức thứ nhì.
Muốn lấy thoi vàng, nhưng lấy để làm chi ? Để khoe của. Của này không phải của ta. Vậy không nên lấy. Của rơi chớ lượm tham thì phải thâm. Đó là suy nghĩ, đó là lương tâm. Có lương tâm phán xét, ta đi vào công thức thứ hai. Ý nghĩ có lương tâm hướng dẫn là ý nghĩ chơn chánh. Hành động xuất phát từ ý nghĩ này là hành động chơn chánh, không có lục dục xen vào. Làm được như vậy là các con đã diệt dục rồi vậy. Nói như thế nhưng diệt dục không phải là một tiến trình dễ dàng. Nói theo tư tưởng hiện nay thì diệt dục là một cuộc chiến đấu lâu dài bền bỉ giữa ý muốn và lương tâm.
Các con phải lưu ý những điều sau đây để phân biệt chánh tà và để hướng dẫn lương tâm chiến đấu cho đến khi thắng lợi:
Tâm khôn ngoan, ý cũng khôn ngoan.
Tâm vị tha, ý vị ngã.
Tâm là đạo, ý là đời.
Tâm là chánh, ý là tà.
Chánh có lý của chánh, tà có lý của tà. Vì thế mà tâm ý khó hiệp hòa. Làm cho tâm ý hiệp hòa là các con đắc đạo vậy.
Ý rất khôn ngoan, cho nên thường tìm đủ mọi cách chiếm đoạt để thụ hưởng. Ý muốn lấy thoi vàng để thụ hưởng, để làm của, nhưng lương tâm đã ngăn cản như trên. Có khi ý nghe theo, cũng có khi ý không chịu nghe theo. Nếu ý nghe theo thì thôi, nếu không nghe theo, ý lại đưa ra nhiều lý lẽ để chống chế.
Ví dụ: ý muốn lấy thoi vàng, nhưng bị lương tâm ngăn cản:” không phải của ta, không nên lấy. Của rơi chớ lượm tham thì phải thâm.” Ý chống chế: chừng nào thâm thì chưa thấy, chớ bây giờ ta đang nghèo đói đây. Lấy được thoi vàng thì đỡ được lúc này, lại còn dư ra giàu có nữa. Tuy là của rơi, nhưng lượm của rơi đâu phải là một cái tội, còn người có của rơi chưa chắc đã nghèo, nếu ta không lấy thì người khác lấy. Lý lẽ tuy đơn sơ nhưng thực tế. Nếu không có lý lẽ khác đến ngăn cản thì hành động lấy thoi vàng sẽ xảy ra liền.
Nhưng ý khôn ngoan, tâm cũng khôn ngoan. Tâm sẽ tiếp tục ngăn cản: ta không nên lấy thoi vàng, vì nếu chỉ để trang sức, để làm của thì không có ích chi hết. Nếu lấy để tiêu pha thì chỉ có thể tiêu pha trong một lúc nào đó thôi, chớ không thể tiêu pha trọn đời. Tuy ta lấy của rơi, không có tội như trộm cướp, nhưng nếu ta đặt mình vào người chủ của rơi này, ta sẽ nghĩ sao ? Ta phải khổ sở để đi tìm nó, vì nó là mồ hôi nước mắt của ta, phòng khi đau ốm hay để dưỡng già, bây giờ mất đi thật là khổ sở. Nếu không muốn khổ sở như vậy thì ta không nên làm cho ai khổ sở.
Lý lẽ của tâm đơn giản nhưng sắc bén. Nếu ý nghe theo thì hành động lấy thoi vàng không xảy ra. Nhưng đôi khi lương tâm bị ý đánh lừa nên cũng đồng ý lấy thoi vàng.
Ý tiếp tục chống chế: nếu ta không lấy thì sẽ có người khác lấy. Người khác lấy thì mất. Bây giờ ta lấy nhưng sẽ không xài. Ta tìm cách trả lại cho chủ nhân bằng cách đăng báo hoặc dán giấy tại chỗ này. Người mất thoi vàng tìm đến, ta sẽ trả lại. Nếu quá một thời gian nào đó mà không ai đến tìm, ta hiến thoi vàng cho nột cơ quan từ thiện nào đó. Lý lẽ có vẻ chơn chánh, không vụ lợi nên tâm cũng đồng ý. Nhưng khi lấy thoi vàng rồi, báo chẳng đăng mà giấy chẳng dán. Rồi ngày lại ngày qua, gia đình gặp cơn túng thiếu hay có việc cần thì thoi vàng kia cũng âm thầm vào tiệm kim hoàn ngoài phố.
Và  tâm  ý còn tiếp tục chống chế nữa. Nếu tâm thắng thì chánh thắng tà, mà ý thắng thì tà thắng chánh.
Nói đến đây, các con đã hiểu tâm thắng ý cũng do ta. Người luyện đạo muốn cho ai thắng cũng đặng. Tâm thắng thì thăng, ý thắng thì đọa. Liệu mà quyết định.



                                                           


 Cổng Vạn Pháp Cung


Đêm 17 rạng 18 tháng 4 năm Kỉ Mùi (1979)

Bát Nương mừng các con.
Đêm nay, Bát Nương giảng về bí pháp luyện đạo.
Hôm qua nói về lục dục, hôm nay nói về thất tình.
Thất tình là bảy tình: hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục ( mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, muốn)
Tình dục là tình duy chủ. Tình dục là tình quan trọng. Nó có thể làm cho con người nên Tiên Phật mà cũng có thể làm cho con ngưòi thành quỉ ma. Kết quả của lục dục sinh thất tình. Kết quả của thất tình sinh ra tham, sân, si. Tham là tham lam ham muốn, sân là giận hờn, si là ngu muội. Tham là thấy gì cũng ham muốn. Mà ham muốn thì tìm cách thu về cho mình làm chủ thụ hưởng. Lòng tham vô đáy. Tham là vị ngã. Ví dụ: người không có cơm ăn thì muốn có cơm ăn. Có cơm ăn rồi lại muốn có áo mặc. Có áo mặc rồi lại muốn có vòng vàng để trang sức, muốn đủ thứ. Muốn mà không được sinh ra giận hờn, có giận hờn mới có hành động ngu muội, tức là gây ra tội tình.
Như vậy, tham sân si là do tình mà ra cả. Tình dục làm cho con người thành quỉ ma là như vậy. Quỉ ma phải sa đọa, luân hồi chuyển kiếp. Nhưng tình dục cũng có thể làm cho con người thành Tiên Phật. Bởi vì  kết quả lục dục sinh ra thất tình, mà kết quả thất tình không sinh ra tham sân si, vì dục tình biết cân nhắc, biết đo lường. Trong thất tình, biết tánh nào hư thì bỏ, nên thì  để. Dục là muốn, nếu không dục tức không muốn, không muốn tức không tham lam, không có tham lam thì không có sân si. Tình dục là tình duy chủ và quan trọng là như vậy.
Trong cửa đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn đã để bí pháp luyện đạo tại đền thánh mà không ai biết. Các con vào đền thánh, qua khỏi Hiệp Thiên Đài, đến ngôi Hộ Pháp, khi quay nhìn lại, các con thấy gì ? Trưóc hết, các con thấy ba cái cẩm đôn bằng bông sen: chính giữa là cái dành cho Hộ Pháp, bên tả dành cho Thượng Sanh, bên hữu dành cho Thượng Phẩm.
Ba cái cẩm đôn tượng trưng cho tinh, khí, thần. Cẩm đôn Thượng Sanh tượng trưng cho tinh, của Hộ Pháp tượng trưng cho khí, và của Thượng Phẩm tượng trưng cho thần. Ba cái cẩm đôn tượng trưng cho tinh, khí, thần tức là tam bửu.
Có một con rắn bảy đầu, tức thất đầu xà. Con rắn bảy đầu quấn ba cẩm đôn lại làm một tức là tinh, khí, thần hiệp nhất.. Bảy đầu rắn tượng trưng cho thất tình.
Trong các tôn giáo khác, khi luyện tam bửu người ta hủy bỏ thất tình. Nhưng trong cửa đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn dạy không bỏ hết, mà chỉ bỏ bốn lấy ba. Tôn giáo Cao Đài khác các tôn giáo khác là ở chỗ đó. Bỏ bốn là: nộ, ai, ố, dục. Lấy ba là: hỉ, lạc, ái.
Bốn đầu rắn bị bỏ gồm có: hai đầu bị đạp dưới hai chân, hai đầu kia bị đè bởi hai cánh tay của Hộ Pháp. Ba đầu rắn còn lại ngóc lên nhìn vào nê hườn cung của Hộ Pháp. Khi Hộ Pháp ngồi mới thấy ba đầu này. Hộ Pháp ngồi là luyện tinh hóa khí. Khi Hộ Pháp đứng lên thì khí đã hóa thần. Thần hườn hư là khi Hộ Pháp vào cung đạo chầu Chí Tôn, tức là vạn linh hiệp nhất linh.
Cho nên, trong thời cúng, Hộ Pháp ngồi là chưa cúng, khi cúng thì mới đứng lên. Khi ngồi, hai tay đè hai đầu rắn, hai chân đạp hai đầu rắn; đó là nộ, ai, ố, dục. Còn ba đầu ngóc lên là hỉ, ái, lạc.
Tại sao ba đầu rắn tượng trưng hỉ, ái, lạc lại nhìn vào nê hườn cung của Hộ Pháp ? Tại vì con người là hình ảnh của Đức Chí Tôn, mà Đức Chí Tôn bao giờ cũng hỉ, ái, lạc. Ái là thương yêu, mà thương yêu đâu có gì xấu. Nộ là giận. Nộ mới xấu, vì nộ sinh ra tham sân si. Tham sân si mới là con đường dẫn chúng sanh vào kiếp luân hồi.
“Thầy là cha của sự thương yêu, mà sự thương yêu là chìa khóa mở cửa Bạch Ngọc Kinh.” Câu nói của Đức Chí Tôn đơn giản mà thâm diệu vô cùng. Thâm diệu ở chỗ nếu chúng ta suy ra sẽ thấy chân lý của sự thương yêu là vô tận.
Lục dục thất tình khiến chúng ta tham lam tức là vị ngã. Tham mà không được mới sinh ra sân si. Nếu chúng ta tham lam cho người khác tức là vị tha, tức là cho chúng sanh, lo cho nhân loại thì đâu có sân si. Nếu lo cho chúng sanh không được, buộc mình phải lo nữa, vì thương yêu phải lo nữa, lo cho đến khi nào chúng sanh được thì ta mừng vui, đâu có lý do gì để mà sân hận, ngu si.
Đức Chí Tôn cũng vậy, ngài cũng vì thương yêu chúng sanh, tức là thương yêu con cái của ngài. Ngài thấy chúng sanh bị đọa lạc nơi chốn hồng trần, không phương trở về ngôi vị cũ nên ngài mới lập đạo độ đời cứu rỗi chúng sanh. Lập đạo này không độ được thì ngài lập đạo khác, cho đến khi nào độ được mới thôi.
Ngày nào mà vạn linh hiệp nhất linh thì  đó là ngày vui chớ không phải là ngày sân hận được. Vậy bí pháp của chúng ta không bỏ hết thất tình mà chỉ bỏ bốn lấy ba là như vậy.
Đức  Hộ Pháp cũng có nói trong phương luyện kỉ:
“ Phải biết thân thích cùng cả nhân vật, tức là tìm nguyên căn của vạn linh cùng chí linh.
Phải ân hậu và khoan hồng.
Phải thanh nhàn, đừng vị kỉ.
Phải bình tĩnh, đừng chịu họa phước của buồn vui, tập tánh không không đừng nhiễm. Vui cũng vui, buồn cũng buồn, nhưng đừng để nọc buồn vui thấm vào chơn tánh.
Phải độ lượng, khoan dung, tha thứ.
Phải vui vẻ, điều hòa, vi chủ và quyết đoán.
Giữ linh tâm làm căn bản.
Hiếu hạnh với Đức Chí Tôn và Phật Mẫu.”
Xem như vậy, Đức Hộ Pháp cũng không bỏ hết thất tình, không bỏ nhưng bớt và kềm hãm. Bớt như vậy là lắng đục tầm trong, kềm hãm như vậy để luyện tinh hóa khí.



                                               




Đêm 18 rạng 19 tháng 4 năm Kỉ Mùi (1979)

Bát Nương mừng các con.
Đêm nay, Bát Nương giảng tiếp về bí pháp luyện đạo. Hôm nay, trở lại vấn đề luyện tinh hóa khí.
Cẩm đôn của Thưọng Sanh tượng trưng cho tinh, cẩm đôn của Hộ Pháp tượng trưng cho khí, cẩm đôn của Thượng Phẩm tượng trưng cho thần. Sau lưng cẩm đôn của Hộ Pháp có chữ khí ( viết bằng chữ Nho ). Khí đây có nghĩa là không khí, là hơi thở của Tiên Thiên khí, là điển lực của Hỗn Ngươn khí, mà Hộ Pháp chủ chữ khí ấy.
Cho nên, khí làm trung gian giữa tinh và thần. Khí sẽ rút điển lực của Hỗn Ngươn khí từ nê hườn cung đưa vào nuôi óc, tức là nuôi trí não, và khí sẽ rút Âm Dương khí từ đơn điền đưa lên cũng để nuôi óc, tức là nuôi trí não. Hỗn Ngươn khí và Âm Dương khí gặp nhau sẽ tạo nên một ánh sáng, ta gom ánh sáng này thành một tia sáng rực rỡ, rồi lấy tia sáng này rọi qua Huệ quang khiếu, khiến cho Huệ quang khiếu mở ra, tức là đoạt đạo.
Bây giờ trở lại vấn đề luyện tinh hóa khí.
Con người vì ăn mà gây ra tội tình quá lẽ, con người vì nói mà gây ra giận hờn. Nội hai việc ăn và nói này thôi đã gây ra không biết bao nhiêu tội lỗi. Muốn tránh những tội lỗi đó, không gì tốt hơn là bớt ăn và bớt nói.
Vì muốn bớt ăn và ít nói mà trong các nền tôn giáo xưa, người ta  ăn ngọ, nghĩa là mỗi ngày chỉ ăn một lần vào bữa trưa mà thôi. Có người vì quá nhiệt tình với cách nhịn ăn lại tuyệt thực hay tuyệt cốc. Như vậy không đúng.
Nhịn ăn có nhiều cách: không ăn những món ăn gây ra tội tình như là sát hại sinh vật. Vì thế người ta ăn chay, ăn chay cũng có mục đích đem vật chất thanh vào cơ thể nữa.
Nhịn ăn có nhiều cách. Khi người Nhật luyện tinh hóa khí, họ ăn gạo lức muối mè. Người Trung Hoa, Ấn Độ không ăn cá thịt mà chỉ ăn rau quả. Khi người phương Tây ăn chay, họ chỉ cử thịt mà thôi, còn các món khác như: cá, tôm, cua, sò,ốc, trứng và các loại có cánh như chim, gà đều ăn được.
Ở đây, Bát Nương chỉ cho các con ăn chay một cách trung dung. Khi luyện đạo thì ăn chay thông thường như nòi giống Việt Nam đã ăn chay, ăn như vậy cũng đủ rồi, cần yếu là đừng sát hại sinh mạng  là được. Còn như muốn ăn chay cho mau có điển lực và mau trong sạch thể xác thì ăn như lối người Nhật đã ăn, nghĩa là ăn cơm gạo lức muối mè. Ăn như vậy sẽ được thuần dương và tránh cho lục phủ ngũ tạng khỏi va chạm nhiều với vật chất mà sinh ra hao mòn bệnh hoạn. Nếu muốn thể xác nhẹ nhàng thì phải ăn chay một trong hai cách đó.
Bây giờ đến bớt nói. Tại sao lại bớt nói ? Tại vì tiếng nói vang đi rất xa, nó có âm ba như sóng điện. Nếu các con có huệ nhãn, các con sẽ thấy làn sóng điện đó như thế nào. Làn sóng điện đó như sóng gợn  trên mặt nước và nó bay đi rất xa trong vũ trụ. Các con nói nhiều không tốt. Nhiều khi tiếng nói cộc cằn thô lỗ của các con vang đến Thần, Thánh, Tiên, Phật thì đó là điều xúc phạm không thể tha thứ được. Hơn nữa, có nói thì có hỏi, có trả lời. Những lời qua tiếng lại như vậy sẽ sinh ra lục dục thất tình. Muốn bỏ lục dục thất tình thì phải bớt nói. Khi người xưa luyện đạo, họ bớt nói bằng cách tịnh khẩu, nghĩa là cả ngày không nói một tiếng nào, chỉ ra dấu khi cần thiết.
Thật ra, nói nhiều rất hao thần trí. Các con nghiệm xem, như cái radio phát ra tiếng nói nó hao pin như thế nào, thì nói nhiều cũng hao tổn thần trí như thế đó. Khi luyện tinh hóa khí phải bớt nói là như vậy. Bớt nói không có nghĩa là tịnh khẩu, không cần thiết phải tịnh khẩu.
Bây giờ bớt nghe. Nghe cũng phải bớt vì nói và nghe đều hao thần trí. Nghe cũng sinh ra lục dục thất tình. Nghe phải nghe vô, nghe lương tri, lương năng của mình hoạt động. Không nghe những tiếng vang bên ngoài, không nghe những lời bàn qua tán lại, không nghe những lời phê bình nịnh hót, không nghe những lời chỉ trích vu vơ. Như vậy, phải bỏ qua một cách tài tình những tiếng vang bên ngoài để bồi bổ thần trí. Khi luyện đạo cũng vậy, phải ở chỗ thanh tịnh, không có tiếng động, nhất là giờ tịnh luyện phải là giờ thứ 24, tức là 12 giờ khuya là tốt nhất.
Muốn bỏ lục dục thất tình thì ngũ giác quan phải kềm hãm tới mức tối đa, kềm hãm bất cứ giờ phút nào.
                    - Thấy mà không thấy,
                    - Nghe mà không nghe,
                    - Ngửi mà không ngửi,
                    - Nếm mà không nếm,
                    - Không đụng chạm đến thân thể khác phái,
                    - Không tư tưởng dục tình.
Có như vậy mới lánh đục tầm trong, có như vậy mới luyện tinh hóa khí được.
Tóm lại: muốn luyện tinh cho hóa khí được, thì phải làm cho thể xác trong sạch, từ vật chất đến tinh thần, nghĩa là làm cho thể xác bốc hơi, rồi lấy số hơi này nuôi trí não. Muốn được vậy, trước hết phải làm cho thể xác cường tráng, trong sạch, nhẹ nhàng.
- Cường tráng: phải tập thể dục mỗi ngày hai lần sáng chiều và phải lấy Tiên Thiên khí nuôi Hậu Thiên khí
- Trong sạch: phải bỏ nhơn dục, theo thiên lý và kềm hãm ngũ giác quan đến mức tối đa.
- Nhẹ nhàng: phải trường chay, tuyệt dục; đây có nghĩa là tình dục, tức là tư tưởng dục tình, tức là sự giao cấu nam nữ, chứ không phải dục là muốn.



                                                
Vạn Pháp Cung      


Đêm 19 rạng 20 tháng 4 năm Kỉ Mùi (1979)
  
Bát Nương mừng các con.
Đêm nay, Bát Nương giảng tiếp về bí pháp luyện đạo.
Có những dấu hiệu sau đây cho ta biết tinh đã hóa khí: các con cảm thấy trong mình thơi thới nhẹ nhàng, thần trí sáng suốt, ăn ngon, ngủ yên, không có chiêm bao ác mộng, vui vẻ, yêu đời, yêu cảnh vật, dương quang tràn đầy nhực sống. Nhưng các con để nhựa sống đó thuận chuyển, tức là đi xuống, nghĩa là xuất tinh, thì trở thành một chất nước, đem tinh trùng đi thụ thai tạo thành hài nhi mới.
Vậy các con phải làm cho nó nghịch chuyển, nghĩa là đưa lên óc. Khi bị nghịch chuyển, nó sẽ biến thành chất hơi gọi là Âm Dương khí chất. Hơi này ai có huệ nhãn thì mới thấy.( Cách làm cho biến thành Âm Dương khí sẽ nói rõ ở phần thực hành )
Chuyển Âm Dương khí lên óc để nuôi óc, tức là nuôi trí não, tức là luyện khí hóa thần. Biến nó thành chất hơi là luyện tinh hóa khí, đem hơi lên nuôi óc là luyện khí hóa thần.
* Luyện khí hóa thần:
Như Bát Nương đã nói, đầu người ta bao bọc bởi một lớp màng gọi là xương sọ. Oc ở trong, xương sọ ở ngoài. Phía trên là mỏ ác, bên trong là Nê hườn cung. Phía trước là trán, ở chính giữa hai con mắt là Huệ quang khiếu. Nê hườn cung và Huệ quang khiếu là hai cái huyệt. Chúng nó vô hình, không thể tìm bằng phẩu thuật. Huệ quang khiếu là con mắt thứ ba. Luyện khí hóa thần tức là làm cho con mắt thứ ba mở ra. Đến phần này, nhà Phật gọi là đạt được lục thông. Đạt được lục thông tức là đạt đạo. Còn chúng ta, khi đến phần này chỉ mới là kết quả của phần luyện khí hóa thần, nghĩa là chơn thần của chúng ta mới xuất ra mà thôi. Ta còn một phần nữa là luyện thần hườn hư, nghĩa là đem chơn thần đi khắp càn khôn vũ trụ.
Muốn luyện khí hoá thần, ta phải đem nhựa sống cường tráng, trong sạch, nhẹ nhàng lên nuôi óc, nuôi trí não. Nhựa sống này có được là nhờ phần luyện tinh hóa khí, nó kết tụ tại đơn điền,tức là bầu Âm Dương, rồi đem qua hỏa hầu, tức là đốt xương sống thứ bảy. Từ đốt xương sống thứ bảy, ta đem nhựa sống lên ót. Từ ót đem vô óc. Từ óc đưa ra huyền quang khiếu. Đó là tiến trình luyện khí hóa thần.
Phần này rất quan trọng, vì phía trên óc là Nê hườn cung, là nơi thần xuất nhập.Óc sẽ nhờ Nê hườn cung tiếp nhận Hỗn ngươn khí, hay Thần, hay điển lực của càn khôn vũ trụ.
Nê hườn cung là nơi Đức Hộ Pháp đang đứng gìn giữ khi các con luyện đạo, đặng giúp cho tinh hiệp với khí và đưa khí đến thần đặng hiệp với thần. Trong lúc chúng ta đem tinh nuôi khí, khí còn yếu ớt, có thể bị tà ma xâm nhập đặng quấy phá các con. Hộ Pháp trấn giữ nơi Nê hườn cung là để tiêu trừ ma quỉ. Câu kinh:” Giáng linh Hộ Pháp Di Đà, Chuyển cây Ma Xử đuổi tà trục tinh” là như vậy.
Khí nuôi óc bằng nhựa sống tinh khiết từ bầu Âm Dương đưa lên, lại được tiếp nhận điển lực của càn khôn vũ trụ do Hộ Pháp đưa vào Nê hườn cung thì trí não mới có đủ năng lực mở Huệ Quang Khiếu cho chúng ta đoạt đạo.
Hộ Pháp có hai món bửu bối là:
- Cây Kim Tiên để đào độn Ngươn khí, tức là điển lực của càn khôn vũ trụ, mở Huệ quang khiếu cho chúng ta.
- Cây Giáng Ma Xử để đuổi tà trục tinh khi chúng ta luyện đạo.
Vì thế, khi luyện đạo, đến phần luyện khí hóa thần, chúng ta phải cầu xin Đức Chí Tôn ban cho điển lực, tức là ban cho thần, và cầu xin Đức Hộ Pháp trấn giữ Nê hườn cung không cho tà ma xâm nhập.
Trong thời hạ ngươn tam chuyển, nhất là lúc mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Đức Chí Tôn đã giao cho Đức Hộ Pháp trấn giữ tam châu bên Tây Phương cực lạc và dìu dắt bát phẩm chơn hồn tu luyện để thăng vị. Câu kinh:” Tam châu bát bộ Hộ Pháp Thiên Tôn” là như vậy.
Khi trấn pháp tại Trí Huệ cung, Đức Hộ Pháp có nói:” Bần đạo lấy làm mừng vì đã làm tròn bổn phận đặc biệt của Bần đạo. Từ thử đến giờ, Bần đạo đã nhiều phen giảng về hình thể Đức Chí Tôn, Bần đạo đã gánh vác về thể pháp Cửu Trùng đài, tạo nghiệp cho đạo là làm giùm cho thiên hạ, chớ không phải phận sự của Bần đạo. Ngày nay là ngày vui mừng hơn hết vì Bần đạo còn sức khỏe đầy đủ cầm bí pháp của Đức Chí Tôn giao phó. Ấy là phận sự đặc biệt của Bần đạo vậy.”
Phận sự đặc biệt của Hộ Pháp là:
- Dìu dắt bát phẩm chơn hồn tu luyện để thăng vị. Hộ Pháp có quyền đưa bát phẩm chơn hồn về với Đức Chí Tôn,  từ vật chất hồn cho tới Phật hồn cũng vậy
- Hộ Pháp chưởng quản ba châu là: Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Nam Thiệm Bộ Châu.
Còn Bắc Cù Lưu Châu là để cho quỉ ở. Quỉ ở châu này lo tu mà trở thành bát phẩm chơn hồn. Bát phẩm chơn hồn gồm có: vật chất hồn, thảo mộc hồn, thú cầm hồn,  nhơn hồn, thánh hồn, tiên hồn, phật hồn.
Khi óc sáng suốt, óc có sức  mạnh như tia laser phóng thẳng vào Huệ quang khiếu, mở toát ra ngó vào càn khôn vũ trụ, ngó thẳng vào tam thập lục thiên, tam thiên thế giới. Câu kinh :” Phá nhứt khiếu chi huyền quang tánh hiệp vô vi thống tam tài chi bí chỉ” là như vậy. “Phá nhứt khiếu” là phóng thẳng sự sáng suốt của trí não vào Huyền quang khiếu, mà huyền quang khiếu tức là Huệ quang khiếu.
Khi Huyền quang khiếu gặp sự sáng suốt của trí não phóng vào, Huệ quang khiếu sẽ tạo ra một sự bừng sáng vĩ đại, cũng như nguyên tử bị ngòi nổ làm nổ tung ra, nó sẽ tạo ra một năng lượng vĩ  đại. Người ta sử dụng các vụ nổ nguyên tử có kiểm soát như thế nào thì người luyện đạo sử dụng sự bừng sáng của Huệ quang khiếu như thế đó.
Khi Huệ quang khiếu mở ra, tạo một sự bừng sáng vĩ đại.Trong ánh sáng vĩ đại đó, tự nhiên ta thấy chơn hồn ta xuất ra, biến thành một người nữa. Người đó là ta, ta là người đó. Hai ngươì như hình với bóng, cùng một ý nghĩ, cùng một việc làm. Hai người có liên lạc với nhau. Người ngồi dưới muốn gì thì người ngồi trên xuất hiện ra hiểu hết, chỉ nghĩ thôi thì người kia đã biết rồi, chứ không có nói.
Bây giờ người dưới ra lệnh cho người xuất hiện ra đi tới, đi lui, đi gần, đi xa cho quen việc. Người ngồi và người xuất ra liên lạc với nhau bằng một sợi dây từ khí. Như con nhện khi rơi xuống có một sợi dây chỉ dính theo, để khi cần nó thâu trở lại. Cũng như phi hành gia không gian bước ra ngoài phi thuyền có một sợi dây cột dính với phi thuyền, khi nào muốn trở lại chỉ cần thâu dây là được.
Ngày xưa, người luyện đạo khi xuất chơn thần ra rồi thường đi luôn không trở lại vì họ không luyện cho dây từ khí có năng lực thun giãn,không luyện cho dây từ khí biến thành làn sóng điện.
Tóm lại: người ngồi dưới là thể xác, người xuất ra là chơn thần. Luyện khí hóa thần đến khi chơn thần xuất ra như vậy thì khí đã hóa thần.
                                                      


Đêm 20 rạng 21 tháng 4 năm Kỉ Mùi (1979)

Bát Nương mừng các con.
Đêm nay, Bát Nương giảng tiếp về luyện đạo.
Đêm qua, Bát Nương đã nói hết phần luyện khí hóa thần.
Đêm nay, Bát Nương giảng đến phần luyện thần hườn hư.
               Luyện thần hườn hư :
Luyện thần hườn hư là làm cho chơn thần tuy xuất ra khỏi thể xác mà vẫn còn liên lạc với thể xác qua sợi dây từ khí. Luyện thần hườn hư là luyện cho sợi dây từ khí có năng lực thun giãn vô tận, nghĩa là lúc chơn thần xuất ra rồi có thể đi thật xa mà dây từ khí vẫn kéo dài mãi không dứt.
Mỗi đêm phải luyện cho đến lúc sợi dây từ khí biến thành một làn sóng điện phát đi rất xa. Chơn thần đi khắp càn khôn vũ trụ mà vẫn còn liên lạc với thể xác một cách dễ dàng, cũng như các vệ tinh thám hiểm trong vũ trụ đi thật xa mà vẫn còn liên lạc và phát hình về trái đất một cách rõ ràng.
Chơn thần xuất ra được rồi, dĩ nhiên là sẽ diện kiến cùng các đấng thiêng liêng, hoặc giả ta được hồng ân của Đức Chí Tôn là diện kiến với ngài. Chừng đó ta sẽ nhận được những sự chỉ dạy cần thiết của Đức Chí Tôn. Và tùy theo căn cơ của mỗi người mà quyền thiêng liêng cho biết đến mức độ nào thôi, chớ không thể nào mỗi người đều được hiểu biết rõ ràng về mạng căn số kiếp của mình; vì như vậy, có thể có nhiều ngươì không còn muốn sống nữa, họ tự vận đi mà chớ.
Hiểu biết để mà hiểu biết, rồi quay lại trần gian để sống cho trọn kiếp sanh, để mà lập công đoạt vị hoặc là trả cho xong mối nợ tiền khiên, chớ không phải hiểu biết rồi quỵt nợ luôn.
Chơn thần xuất ra rất khó. Để đến phần thực hành, Bát Nương sẽ nói rõ thêm.
Bây giờ Bát Nương nói tiếp. Khi chơn thần xuất ra rồi, điều cần thiết là luyện cho sợi dây từ khí biến thành làn sóng điện để liên lạc giữa thể xác và chơn thần. Còn việc ta muốn đi đâu và gặp ai thì lại phải cầu xin với Đức Thượng Phẩm. Nếu được thì Đức Thượng Phẩm điều khiển cây Long tu phiến giúp chơn thần ta đến nơi mà ta muốn đến, gặp người mà ta muốn gặp.
Phần luyện thần hườn hư rất quan trọng. Phần này, nếu ở Trí Huệ cung hay Vạn Pháp cung, phải có người canh giữ giờ giấc, canh giữ thể xác không cho ai lại gần, không cho có tiếng động, không cho ai rờ mó vào thể xác. Vì như thế, chơn thạn bị xao động, lật đật trở về thể xác, làm cho sự diện kiến với các đấng thiêng liêng bị trở ngại. Người canh giữ cứ để thể xác tự nhiên, yên tịnh. Nhiều khi chơn thần xuất ra thể xác còn ngồi, nhiều khi thể xác nằm xuống, cứ để nguyên, chừng nào họ dậy như người thức dậy, chớ đừng lay gọi.
Thời gian xuất chơn thần có thể 30 phút hoặc vài ba tiếng đồng hồ là cùng.
Luyện đạo như cất một cái nhà. Thế thường, bất cứ ai muốn cất một cái nhà trước hết phải xây nền. Nền có vững chắc thì nhà mới không sụp đổ. Cũng như đi học, muốn vào đại học,  phải học từ lớp 1 đên lớp 12. Học cho có căn bản thì vào đại học mới nổi. Luyện đạo cũng vậy, muốn có kết quả, ta phải xét lại bản thân, coi phần nhơn đạo và thiên đạo đã xong chưa. Nếu chưa, ta không nên vội vã vào phần luyện đạo, bởi dù có luyện đạo cũng không có kết quả.
Luyện đạo ở tuổi 40 đến 60 là tốt nhất. Dưới tuổi 40 chưa đủ phần công quả, trên 60 thì thể xác đã già nua, tinh thần bạc nhược, không đủ sức luyện đạo. Vào Trí Huệ cung hoặc Vạn Pháp cung phải qua phần lựa chọn của Hội thánh. Vì Hội thánh là hình thể của Đức Chí Tôn, tiếng nói của Hội thánh là tiếng nói của Đức Chí Tôn, Hội thánh công nhận tức Đức Chí Tôn công nhận.
Tiêu chuẩn để Hội thánh công nhận:
1)     Phải qua phần nhơn đạo và thiên đạo, tức là phải có đủ tam lập hoặc một phần trong tam lập. Phần này rất cần thiết như là xây nhà phải cất nền.
2)     Thể xác khỏe mạnh, không bệnh tật, nếu cần phải qua khám nghiệm y khoa.
3)     Trong tuổi ấn định từ 40 đến 60, trừ trường hợp Hội thánh giảm chế vì lý do đặc biệt.
4)     Trình độ văn hóa tú tài trở lên.
Trong 4 phần này, có thể có phần ngoại lệ do Hội thánh quyết định.
Luyện đạo có hai cách:
1)     Luyện đạo cho một người, luyện đạo tại gia:
Phần này dành cho những người nào nhận thấy mình có đủ tam lập hoặc một phần trong tam lập mà chưa được Hội thánh công nhận vì lý do này hay lý do khác.Phần luyện đạo một người cũng dành cho những vị chán nản cuộc đời, không ham lợi quyền, muốn theo chân Đức Chí Tôn cứu độ chúng sanh. Những vị này có tiền căn cao trọng nên có thể luyện đạo một mình. Muốn luyện đạo một mình, phải theo dõi phần luyện đạo thực hành mà Bát Nương giảng tiếp.
2)     Luyện đạo tập thể:
Phần này phải vào Trí Huệ cung ( phái nữ ) , Vạn Pháp cung ( phái nam ). Vì hai nơi này do thánh ý của Đức Chí Tôn chỉ định và do Đức Lý Giáo Tông và Đức Hộ Pháp đã chọn rồi. Hai nơi này sẽ có giảng sư chỉ dạy và có phương pháp riêng theo dõi từng người qua mỗi đêm tịnh và luyện.
Thời gian luyện và tịnh là 100 ngày, mỗi ngày 30 phút: 15 phút luyện, 15 phút tịnh. Vì là tập thể nên cứ 12 người một phòng, mỗi phòng 12 giường. Mỗi phòng có đủ mùng, mền chiếu, gối. An  có phòng riêng, học có phòng riêng. Phòng nghỉ cũng là phòng luyện đạo.
Trên mỗi đầu giường có một cái kệ, trên kệ có một sổ tay và một cây viết. Người luyện đạo có thể chép những gì xảy ra hay là những gì mà họ hay biết trong khi luyện đạo. Họ có thể nêu lên những câu hỏi trong cuốn sổ này. Sổ này chỉ có giảng sư biết mà thôi, bởi mỗi người mỗi căn cơ, mỗi người có sự hiểu biết riêng, nên cũng tuỳ theo đó mà giảng sư chỉ dạy riêng. Người này không được biết sự chỉ dạy của giảng sư cho người khác. Cứ mỗi giường có một cái tủ cho người luyện đạo thu xếp vật dụng vào trong đó.
Một trăm ngày luyện đạo gồm có:
          -50 ngày luyện tinh hóa khí.
          -40 ngày luyện khí hóa thần.
          -10 ngày luyện thần hườn hư.
Thời khóa 100 ngày luyện đạo như sau:
          -5 giờ sáng : thức dậy, thể dục.
          -6 giờ : lau mình, tắm rửa, điểm tâm.
          -8 giờ : học giáo lý Tam giáo và Cao Đài.
          -9 giờ : học  cách luyện đạo, giáo lý và thực hành.
          -11 giờ : cơm trưa.
          -12 giờ : nghỉ trưa.
          -14 giờ : học giáo lý Tam giáo và Cao Đài.
          -16 giờ : thể dục, tắm rửa, cơm chiều.
          -18 giờ : cúng thời Dậu, chỉ cúng một thời trong 4 thời.
          -24 giờ : luyện đạo : 15 phút luyện, 15 phút tịnh.
Hội Thánh sẽ soạn Giáo lý của Tam giáo và Giáo lý của Cao Đài, tức là Giáo lý của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ cho phù hợp với trình độ hiểu biết.   
Chú ý: giáo lý của tam giáo chỉ phớt qua phần tinh túy mà thôi, còn giáo lý Cao Đài phải nói cặn kẽ vì Cao Đài hiện nay là chánh đạo. Câu kệ khai trống Lôi Âm chứng minh điều đó:
   Lôi Âm thánh cổ triệt hư không,
   Truyền tấu càn khôn thế giới thông.
   Đạo pháp đương kim dương chánh giáo,
   Linh quang chiếu diệu Ngọc Hư cung.
“Đạo pháp đương kim dương chánh giáo” là như vậy. Vì là chánh giáo nên Đức Chí Tôn mở cơ tận độ chúng sanh, chẳng những tận độ ở mặt địa cầu này mà còn tận độ ở các cảnh giới khác. Câu kệ khai chuông Bạch Ngọc chứng minh điều đó:
 Thần chung khấu hướng phóng Phong đô,
  Địa tạng khai môn phóng xá cô.
  Tam kì vận chuyển kim quang hiện,
  Sám hối âm hồn xuất u đồ.
Cảnh giới nào cũng độ, cho tới cảnh giới Phong đô cũng tận độ.”Sám hối âm hồn xuất u đồ” là như vậy.
Làm sáng tỏ hai bài kệ này, chúng ta thấy đạo Cao Đài quyền năng vô tận, vô biên. Nhất là làm sáng tỏ hai câu liễn trước Hiệp Thiên đài, thì ta thấy giáo lý Cao Đài rộng rãi, bao la, huyền diệu không thể nào diễn tả:
- Hiệp nhập Cao Đài, bá tánh thập phương qui chánh quả.
- Thiên khai huỳnh đạo ngũ chi tam giáo hội Long Hoa.
Chỉ có vào đạo Cao Đài, bá tánh thập phương mới thành chánh quả và chỉ có vào đạo Cao Đài mới được dự hội Long Hoa.
Đối với đời, đối với thế tình, chỉ cần làm rõ ý nghĩa hai câu liễn trước chánh môn là đủ:
- Cao thượng Chí Tôn đại đạo hòa bình dân chủ mục.
- Đài tiền sùng bái tam kì cộng hưởng tự do quyền.
Đừng sợ giáo lý Cao Đài eo hẹp. Thực ra giáo lý Cao Đài trùm lên các giáo lý khác. Bởi các nền tôn giáo khác do Đức Chí Tôn phân tánh giáng trần lập đạo, làm sao hơn nổi nền tôn giáo mà chính Đức Chí Tôn trực tiếp đứng ra thành lập. Hơn nữa, các nền tôn giáo khác lập ra trong thời kì Thượng ngươn tối cổ hay là Trung ngươn trung cổ cũng vậy. Thời đó nhân loại chưa có văn minh tiến bộ, văn hóa chưa được phát triển tối đa, từ ngữ diển tả tư tưởng hay tâm lý chưa có, nếu có cũng rất đơn sơ, làm sao diễn tả tột cùng giáo lý cao siêu cho đặng. Còn phần luyện đạo thì khẩu khẩu tâm truyền, làm sao cho khỏi tam sao thất bổn. Cho nên, nhơn loại tu thì nhiều mà thành thì ít, đến nay đã thất truyền.
Ngày nay, chính Đức Chí Tôn giáng trần lập đạo. Ông thầy của chúng ta là ông thầy Trời, với thời gian thất ức niên, với mục đích cứu rỗi 92 ức nguyên nhân qui hồi cựu vị. Thất ức niên so với không gian, thời gian và so với tuổi thọ của địa cầu này thì không có bao nhiêu.
Đức Chí Tôn lâp đạo lần này không phân tánh giáng trần như những lần trước, mà giáng trần bằng thiêng liêng cơ bút, giáng trần không có hình thể, không có tiếng nói mà có lời nói. Hình thể chúng ta là thể xác, trí não và linh hồn, tức là tinh, khí, thần hiệp lại. Hình thể Đức Chí Tôn là đền thánh đó vậy. Đền thánh có: Cửu Trùng đài, Hiệp Thiên đài, Bát Quái đài.
_Cửu Trùng đài tượng trưng cho thể xác.
_Hiệp Thiên đài tượng trưng cho trí não.
_Bát Quái đài tượng trưng cho linh hồn.
Đền thánh là hình thể Đức Chí Tôn tại thế đó vậy. Hình thể này không có quyền lực nào hủy diệt được. Hình thể này sẽ sống với chúng ta cho đến thất ức niên. Đức Chí Tôn không có tiếng nói mà ở đâu cũng có lời nói. Những lời nói này sẽ còn nói mãi với chúng ta.
Thoạt tiên tới chánh môn, ta thấy có một tấm bảng lớn, trong bảng này có ghi 6 chữ: Đại Đạo Tam Kì Phổ Độ bằng chữ Nho và chữ quốc ngữ.
-Đại Đạo: hiểu theo nghĩa thông thường là một con đường lớn, con đường rộng rãi thênh thang, ai đi trên đó cũng được; hay là một tôn giáo lớn, một đạo lớn.
-Tam Kì: hiểu theo nghĩa đơn giản là lần thứ 3 mà cũng có nghĩa là lần chót. Nhứt quá tam là như vậy đó.
-Phổ Độ: hiểu theo nghĩa từng chữ thì đó là phổ thông rộng lớn, cả nhân loại trên địa cầu này chứ không hạn chế, không gò bó trong một sắc dân, một quốc gia. Độ là dìu dắt, là độ rỗi, còn có nghĩa là cứu vớt, mà cứu vớt là tha thứ đó vậy.
Nghĩa chung là: một tôn giáo lớn mở ra lần chót để độ rỗi chúng sanh.
Hai bên tấm bảng ĐĐTKPĐ có hai câu liễn viết bằng chữ Nho:
-Cao thượng Chí Tôn Đại Đạo hòa bình dân chủ mục.
-Đài tiền sùng bái Tam Kì cộng hưởng tự do quyền.
Nghĩa là: Đức Chí Tôn giáng trần kì này với danh xưng là Cao Đài, Cao thượng, Đài tiền là như vậy. Thánh ngôn với câu: Ngọc Hoàng Thượng Đế viết Cao Đài giáo đạo Nam phương là như vậy.
Đức Chí Tôn là ông Cao Đài, ông Cao Đài là Thượng Đế, là ông Trời. Ông Trời nói: ta mở ra cho nhơn loại nơi mặt địa cầu này một nền tôn giáo lớn là để dìu dắt nhơn loại đi vào con đường hòa bình dân chủ.” Cao thượng Chí Tôn Đại Đạo hòa bình dân chủ là như vậy”.
Ông Trời nói: nếu nhơn loại muốn hòa bình dân chủ thì hãy vào đây, vào cửa Cao Đài và nghe ta dạy. Hãy tín ngưỡng nơi ta, tín ngưỡng lẫn nhau. Sùng bái và tin tưởng, có tin tưởng mới có sùng bái, tin tưởng lần thứ ba mà cũng là lần chót. “ Đài tiền sùng bái Tam kì cộng hưởng tự do quyền” là như vậy.
Hòa bình, dân chủ, tự do ở đây không phải có một cá nhân ban cho một cá nhân, không phải của một đoàn thể đảng phái ban cho một quốc gia dân tộc mà là của ông Trời ban cho toàn nhơn loại. Nhơn loại muốn có hòa bình, dân chủ, tự do thật sự thì chỉ có tin tưởng nơi Thượng Đế rồi sùng bái Thượng Đế là đấng Cha chung và cả nhơn loại là anh em ruột thịt với nhau. Chừng nào, giờ phút nào mà toàn thể nhơn loại nơi mặt địa cầu này tin tưởng như vậy và làm như vậy thì giờ phút đó mới có hòa bình, dân chủ, tự do thật sự. Còn trái lại là giả dối. Đức Chí Tôn không có tiếng nói mà có lời nói là như vậy.
Đức Chí Tôn mở đạo lần này là lần chót, mục đích cứu rỗi chúng sanh, cứu rỗi cả phẩn xác lẫn phần hồn, nghĩa là dẫn dắt chúng sanh vào con đường nhơn đạo và thiên đạo.
Nhơn đạo là dạy dỗ chúng sanh biết yêu thương lẫn nhau, tin tưởng lẫn nhau, đối xử công bằng với nhau để có hòa bình, dân chủ,tự do thật sự, không có chiến tranh chết chóc, không có nghèo đói đau thương, tức là cứu rỗi phần xác, tức là giải khổ phần xác, tức là dạy dỗ chúng sanh làm tròn nhơn đạo đó vậy.
Bây giờ đến phần thiên đạo, tức là cứu rỗi phần hồn. Hai câu liễn trước chánh môn dẫn dắt nhơn loại lo tròn nhơn đạo để giải khổ phần xác. Bây giờ nói đến đền thánh. Đền thánh tượng trưng cho hình thể Đức Chí Tôn. Khi đứng trước đền thánh, trước mắt Đức Chí Tôn, chúng ta thấy gì ?
Trước hết là Hiệp Thiên đài. Hiệp Thiên đài là mặt tiền. Đền thánh gồm có: một cửa chánh và hai lầu cao gọi là lầu chuông và lầu trống. Cửa chánh gọi là chánh điện, trên chánh điện có bao lơn. Có 6 chữ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Trên 6 chữ này là Thiên nhãn. Trên Thiên nhãn là mái ngói của chánh điện. Trên mái ngói có hình Đức Phật Di Lạc cỡi cọp. Tất cả hình tượng ở trước mặt Hiệp Thiên đài là những lời nói tiềm tàng, ẩn hiện giáo lý của Đức Chí Tôn. Những lời nói đó là những chân lý có giá trị tuyệt đối.
Cặp hai bên tấm bảng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ  trước Hiệp Thiên đài có hai câu liễn ( câu đối ) khác. Trên đầu hai câu liễn có hai chữ Nho: NHƠN-NGHĨA. Hai câu liễn viết bằng chữ Nho như sau:
-NHƠN: Hiệp nhập Cao Đài, bá tánh thập phương qui chánh quả.
-NGHĨA: Thiên khai Huỳnh đạo, ngũ chi tam giáo hội Long Hoa.
Hai câu liễn này  dạy chúng sanh lo tròn Nhơn đạo, tức là nhơn-lễ-nghĩa-trí-tín và còn có mục đích dạy chúng sanh lo tròn Thiên đạo. Nếu ghép hai chữ đầu tiên của hai câu liễn này, ta thấy có hai chữ Hiệp Thiên, tức là Hiệp Thiên đài. “Hiệp nhập Cao Đài, bá tánh thập phương qui chánh quả” có nghĩa tổng quát là nhơn loại 10 phương hãy hội hiệp lại trong cửa đạo Cao Đài này, tức là trong lòng của Đức Chí Tôn, trong lòng của ông Trời để học hỏi luật thương yêu và quyền công chánh. Có thương yêu bình đẳng mới về được cực lạc niết bàn.
“Thiên khai Huỳnh đạo, ngũ chi tam giáo hội Long Hoa” nghĩa là ông Trời mở đạo vàng, đạo quí, đạo chánh, không phải tả đạo bàng môn, không mê tín dị đoan. Đạo có luật pháp, có chân lý, có giáo lý, có khoa học, triết học, có kinh có kệ, có thể pháp, có bí pháp; tức là đạo có khả năng độ rỗi cả phần xác lẫn phần hồn. “ Ngũ chi tam giáo hội Long Hoa” : ngũ chi là năm nhánh nhỏ, tam giáo là ba cội lớn. “ Ngũ chi tam giáo” là qui tụ năm nguyên tắc nhỏ của Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo. Nói chung là cả chúng sanh, cả nhơn loại, dù theo tôn giáo nào, giáo lý nào, nguyên tắc nào cũng có thể qui tụ lại, hội hiệp lại trong cửa đạo Cao Đài này, trong lòng Đức Chí Tôn đây, để Đức Chí Tôn sắp đặt ngôi vị, đẳng cấp thiêng liêng, tức là tuyển phong Phật vị, tức là hội Long Hoa.
Ngoài ra, ta còn có thể hiểu rõ thêm qua các câu kinh:” Thâu các đạo hữu hình làm một, Trường thi Tiên Phật dượt kiếp khiên”. Mỗi hình ảnh, mỗi hiện tượng, mỗi việc làm trước Hiệp Thiên đài là một lời nói, một ý nghĩa ẩn tàng sâu xa của Đức Chí Tôn. Trong phạm vi bí pháp luyện đạo, Bát Nương chỉ nói những gì liên quan thôi, chớ Đức Chí Tôn nói rất nhiều về Nhơn đạo và Thiên đạo, về thể pháp và bí pháp, về huyền vi mầu nhiệm của càn khôn vũ trụ, về quyền năng của Đức Chí Tôn, về bổn phận của chúng ta.
Còn nữa, … Nếu chúng ta bước vào đền thánh, qua cửa chánh điện, tức là cửa Hiệp Thiên đài, ta thấy hai bên có hai cột chỏi bao lơn: một cây chạm hình rồng, một cây chạm hình bông sen. Rồng là Long, sen là Hoa. Vào cửa Hiệp Thiên đài tức là vào hội Long Hoa đó vậy.
Đứng giữ bốn cột Long Hoa, nguớc lên trần, ta thấy có vẽ một cái cân nhỏ giống như cân tiểu ly. Cân này nằm trên quả địa cầu. Trên cán cân có một bàn tay thiêng liêng cầm cân nảy mực. Đó là cân công bình thiêng liêng. Đức Chí Tôn dùng cân này để cân tội phước mà định ngôi vị cho cả chúng sanh. Bước tới một bước nữa, ta thấy tượng tam Thánh.
- Người thứ nhất: ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, tức TrạngTrình, văn hào Việt Nam.
- Người thứ hai: ông Tôn Trung Sơn, tức Tôn Dật Tiên, nhà cánh mạng Trung Hoa.
- Người thứ ba: Nguyệt Tâm chơn nhơn, tức ông Victor Hugo, văn hào nước Pháp.
Trong thời hạ ngươn tam chuyển, Đức Chí Tôn mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Ba vị này đại diện cho nhơn loại kí với Đúc Chí Tôn một hòa ước, nói cho đúng là một giao ước. Nhưng lạ thay, bản giao ước này chỉ có một điều khoản mà thôi: đó là công bình và bác ái.
Trong hình, ta thấy ông Tôn Dật Tiên cầm nghiên mực, ông Nguyễn Bỉnh Khiêm cầm bút lông mèo viết hàng chữ Nho: Thiên thượng- Thiên hạ, Bái ái- Công bình. Thiên thượng là Trời trên, là Đức Chí Tôn. Thiên hạ là Trời dưới, là chúng sanh.”Thiên thượng -Thiên hạ” tức là Thượng Đế và nhân loại.
Kế đó, ông Victor Hugo cầm bút lông chim viết hàng chữ Pháp: DIEU et HUMANITÉ, AMOUR  et JUSTICE. Nghĩa là Trời và người, bác ái và  công bình
Nguyên bức tượng này có nghĩa chung là: Thượng Đế và nhơn loại giao hẹn với nhau rằng: nhơn loại thương yêu nhau và mọi người bình đẳng trước Thượng Đế. Đối lại, nếu nhơn loại làm đúng điều khoản này thì Thượng Đế sẽ  lập ngôi vị, đẳng cấp thiêng liêng cho cả chúng sanh.
Hội Long Hoa tức là chúng sanh hội hợp lại cho Đức Chí Tôn xét công định vị. Cả nhơn loại, ai có thương yêu thì có ngôi vị. Thương yêu càng nhiều, ngôi vị càng cao. Câu Thánh ngôn: “Sự thương yêu là chìa khóa mở cửa Bạch Ngọc Kinh” là như vậy.
Qua khỏi Hiệp Thiên đài, thêm 9 nấc nữa thì  vào Cửu Trùng đài. Mỗi nấc cao cách nhau 2 tấc. Cửu Trùng đài tượng trưng cho thể xác Đức Chí Tôn. Cửu Trùng đài là Cửu Thiên Khai Hóa mà cũng là cửu phẩm Thần Tiên. Ngôi vị của chúng sanh được ấn định trên 9 nấc này. Trước khi bước lên nấc thứ nhất, ta thấy ngai thất đầu xà của Đức Hộ Pháp. Ngai thất đầu xà này là bí pháp luyện đạo mà Đức Chí Tôn ban cho chúng sanh, ban cho cửu nhị ức nguyên nhân, tức là 92 ức nguyên nhân.( Bát Nương đã nói ngai thất đầu xà ở phần phía trước).
Chín nấc Cửu Trùng đài, mỗi nấc cao hơn nhau hai tấc. Đó là huyền vi mầu nhiệm của trời đất. Mỗi nấc có hai cột rồng hai bên. Cột rồng lớn đứng trên bông sen lớn ngụ ý Long Hoa đại hội. Có một điều đặc biệt là: nếu mỗi nấc cao hơn nhau 2 tấc, dĩ chí nấc thứ 9 phải cao hơn nấc đầu tiên là 1m8. Vậy mà đứng tại Hiệp Thiên đài ngó vào Bát Quái đài, ta thấy mỗi nấc cũng mỗi cao, chỉ có những đầu rồng trên những cây cột từ trong ra ngoài lại bằng nhau. Nếu lấy thước đo thì đầu rồng này vẫn cao hơn đầu rồng kia 2 tấc. Đó là huyền vi mầu nhiệm của trời đất.
Tạm thời Bát Nương cho một phương trình là:
               9 x 2 x 2 x 2
                      12
Con số 12 là con số khóa của môn toán học mà cũng là con số riêng của Thầy. Cúng Thầy 12 lạy là như vậy. Con số 6 là số mà về sau này sẽ có những nhà khoa học và toán học giải rõ. Cũng như Kim Tự Tháp của Ai Cập đã có những nhà toán học lấy kích thước của những viên đá xây nền mà giải ra được những lời tiên tri của thế hệ trước về những gì xảy ra cho thế hệ sau.
Lời nói của Đức Chí Tôn, ở đâu cũng có những lời nói rõ ràng như những câu liễn trước chánh môn và trước cửa Hiệp Thiên đài. Mặc dầu rõ ràng nhưng ý nghĩa rất thâm sâu, mới đọc qua chưa chắc đã hiểu hết. Ngoài ra, còn có những lời nói tiềm tàng trong các hình ảnh mà ta thấy đầy dẫy trước Hiệp Thiên đài, trong Cửu Trùng đài và Bát Quái đài.
Ví dụ: tại Cửu Trùng đài, trên những plafond dù (plafond hình mái vòm), ta thấy có 6 con rồng tranh nhau một quả châu. Hình ảnh này ngụ ý câu kinh:” Thời thừa lục long, du hành bất tức “. Ngoài ra, còn có nghĩa là đền thánh được xây trên một khoảng đất địa linh, phía dưới có 6 con rồng đoanh lại, một đầu đưa ra ao hồ, một đầu đưa ra suối vàng, còn 4 đầu kia đưa ra 4 hướng đông-tây-nam-bắc.
Còn nữa,… còn rất nhiều hình ảnh tượng trưng cho lời nói của Đức Chí Tôn.
Khi ta đến nấc thứ 9 Cửu Trùng đài, ta thấy một ngai của Giáo Tông, ba ngai của Chưởng Pháp, ba ngai của Đầu Sư. Bảy ngai này tượng trưng cho nhơn đạo của con người. Qua khỏi bảy ngai này là vào cung đạo. Cung đạo là nơi để Hộ Pháp và chức sắc Hiệp Thiên đài vào làm lễ Đức Chí Tôn, mà cũng là nơi các đấng thiêng liêng giáng cơ dạy đạo.
Đứng tại cung đạo ngó lên trần, ta thấy một tấm bảng hình quả trám, trong đó có một đầu người tượng trưng cho huyền quang khiếu, một cách tay cầm bút túc là chấp bút, một Thiên nhãn, những mẫu tự A-B-C, một bộ đại ngọc cơ, một tiểu ngọc cơ…Đó là phương tiện giao tiếp giữa hữu hình và vô hình, đó là những lời tiên tri tiềm tàng ẩn hiện. Đồng thời ta ngó vào Bát Quái đài, thấy một quả càn khôn có ba ngàn tinh tú, bên tả có nhựt, bên hữu có nguyệt. Đó là hình ảnh tượng trưng giaó lý của Đức Chí Tôn dạy về thiên đạo, dạy về sự mầu nhiệm của càn khôn vũ trụ. Khi chúng ta đoạt pháp, đạt đạo, tự khắc chúng ta sẽ biết những bí pháp này một cách dễ dàng.
Còn nữa, Đức Chí Tôn còn nói nữa. Nếu ta lên phía trên cửa Hiệp Thiên đài, ta thấy trên chót của lầu chuông, lầu trống có hai giỏ hoa lam. Trên nóc Cửu Trùng  đài có Nghinh Phong đài, trên chót của Nghinh Phong đài có một con long mã đứng trên quả địa cầu, đầu của nó hướng về bản đồ Việt Nam. Sau cùng trên chót Bát Quái đài có ba vị Phật là:Brahma, Civa, Christna. Ba vị này hướng về ba phía đông-nam-bắc, còn hướng tây thì để trống. Những hình ảnh này là lời tiên tri của Đức Chí Tôn, khi đoạt đạo thì ta mới biết.
Đền thánh hàm chứa rất nhiều bí mật. Sau này, người đời khám phá ra, thì chừng đó đền thánh lại càng linh thiêng và cao quí hơn. Những bí mật này, chính Bát Nương cũng không được nói ra. Đức Chí Tôn để cho nhơn loại khám phá ra mới có giá trị. Bát Nương chỉ tiết lộ được hai điều:
-Thứ nhất: đầu con long mã hướng về bản đồ nước Việt Nam ứng vào câu Thánh ngôn của Đức Chí Tôn: Việt Nam tuy nhỏ nhoi hơn vạn quốc mà về sau làm chủ vạn quốc mới là kì.
-Thứ hai: trong Bát Quái đài, phía dưới có một cái hầm, trên hầm có một cây trụ để đỡ quả càn khôn.Từ dưới cung đạo bước lên, trụ này có 12 nấc, mỗi nấc là một lời tiên tri bí mật. Có một nấc, Đức Chí Tôn tiên tri ngày, giờ, tháng, năm mà Đức Chí Tôn sẽ mở hội Long Hoa tại thế. Ngày giờ này chỉ có nhà bác học uyên thâm mới khám phá ra được.
Đức Chí Tôn còn nói rất nhiều, nhưng vì nhơn loại thiếu tin tưởng nên không nghe, không thấy, không biết.
Đối với chúng ta, mỗi ngày đến đền thánh, vào trong lòng của Đức Chí Tôn, ngồi ngâm nga đọc kinh mà vẫn có nhiều người chưa biết Đức Chí Tôn đã nói những gì. Nội một câu:”Đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp” mà đã có nhiều người chưa hiểu rồi. Phải có thành khẩn, phải có tín ngưỡng hiệp lại mới có đạo. Mà đạo là gì ? Đạo là không mà có, có mà không. Trong cái không có cái có, trong cái có có cái không. Theo sự hiểu biết tầm thường của chúng ta thì không thể nào hiểu đạo được. Phải tin tưởng rằng: trong cái không sẽ có cái có. Tin tưởng tức là tín ngưỡng. Có tin tưởng rồi phải quyết tâm tìm cho ra cái có, mà quyết tâm là thành khẩn vậy.
Các nhà khoa học ngày nay tin tưởng rằng ngoài trời đất này còn có nhiều địa cầu nữa. Họ tin tưởng như vậy cho nên họ quyết tâm tìm tòi. Và nhờ quyết tâm tìm tòi mà họ chứng minh được có 9 quả địa cầu nữa. Họ đặt tên là: mộc tinh, hỏa tinh, thủy tinh, kim tinh… Cũng nhờ tìm tòi mà họ khám phá ra nguyên tử năng và siêu vi khuẩn… Trong cái không mà có cái có là như vậy. Nếu chúng ta quyết tâm tìm tòi, chúng ta cũng tìm được đạo vậy. Mà có đạo tức là có Đức Chí Tôn. Có Đức Chí Tôn thì phải tin lời Đức Chí Tôn.
Nội một câu:” Thầy là các con, các con là Thầy”, Đức Chí Tôn đã nói lên trọn vẹn quyền năng của ngài và bổn phận của chúng ta. Với từ ngữ hiện nay, nếu ta lấy câu này làm luận án cho môn thần học thì chúng ta có thể viết thành cuốn sách dài hàng mấy ngàn trang cũng chưa đủ. Để Bát Nương triển khai một đoạn làm mẫu cho các con thấy giáo lý Cao Đài cao siêu rộng rãi như thế nào:
“Thầy là các con”. Thầy là ông trời, các con là chúng ta. Ông trời muốn gì ? Chúng ta muốn gì ? Chúng ta muốn hưởng thụ, tức vị ngã. Ông trời muốn cho, tức vị tha. Muốn cho nghĩa là muốn thêm phước giảm tội. “Ngọc Hoàng tích phước hựu tội Đại Thiên Tôn” là như vậy.Chúng ta vì vị ngã mới sanh ra tham-sân-si. Vị tha sanh ra hỉ-ái-lạc. Tham-sân-si phải luân hồi chuyển kiếp. Hỉ-ái-lạc sẽ về cực lạc niết bàn. Luân hồi chuyển kiếp thì khổ. “Thầy là các con” tức là ông trời muốn làm cho chúng ta hết khổ. Vinh diệu thay cho hỉ-ái-lạc ! Chỉ có hỉ-ái-lạc mới làm được việc này, chỉ có Đức Chí Tôn mới làm được việc này.
Bây giờ đến câu”Các con là Thầy”. “Các con” đây là cả tín đồ Cao Đài và cả chúng sanh. Chúng ta là trời, Đức Chí Tôn bảo chúng ta làm trời, tức là Đức Chí Tôn bảo chúng ta vị tha, đừng vị ngã. Đức Chí Tôn bảo chúng ta hỉ-ái-lạc chớ đừng tham-sân-si. Đức Chí Tôn bắt chúng ta thọ khổ cho chúng sanh hết khổ. Khi mở đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn  nói: “Thầy là cha của sự thương yêu, mà sự thương yêu là chìa khóa mở cửa Bạch Ngọc Kinh”. Chỉ có thương yêu mới vị tha, không vị ngã. Chỉ có thương yêu mới dám thọ khổ cho chúng sanh hết khổ. Bao giờ chúng ta thọ khổ thì cả chúng sanh hết khổ vậy.
Tóm lại: vị tha là trời, vị ngã là chúng sanh.
Nếu ai có căn cơ cao trọng, khi đọc tới đây thì đã ngộ đạo rồi, mà ngộ đạo là thành Phật, là giải thoát đó vậy. Xưa kia, khi mới xuất gia tầm đạo, Đức Thích Ca theo 4 vị sư lên núi tu theo lối khổ hạnh để thành Phật, tự ép mình đến nỗi gần chết mà vẫn không thành Phật. Lúc đó, Đức Thích Ca vẫn còn vị ngã, nghĩa là vẫn còn muốn thành Phật. Đến khi Đức Thích Ca xuống núi, vào rừng ngồi dưới cội bồ đề mà nguyện rằng: “Tôi quyết tìm chân lý giải khổ cho chúng sanh. Nếu không được thì tôi sẽ không ra khỏi chỗ này”. Lúc đó, Đức Thích Ca lại thành Phật, vì ngài không còn vị ngã nữa. Lo cho chúng sanh tức là vị tha đó vậy.
Đó, Bát Nương triển khai một đoạn cho các con làm mẫu để mở trí huệ thêm. Bây giờ các con triển khai nữa. Ví dụ, muốn được” Thầy là các con, các con là Thầy”, Đức Chí Tôn buộc chúng ta mỗi ngày phải cúng 4 thời là: Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu mà không cúng vào những thời khác. Bởi Tý, Ngọ là chánh âm , chánh dương; còn Mẹo, Dậu là giao điểm của âm dương; mà âm dương hòa hiệp phát khởi càn khôn. Những giờ này là giờ anh linh hiển hách, cũng như ở thế gian trong những giờ làm việc mới có người làm việc.
Chúng ta mỗi ngày phải cúng 4 thời. Trước hết để xưng tụng công đức Ngọc Hoàng Thượng Đế và công đức của Phật, Tiên, Thánh, Thần; kế đó là dâng tam bửu của chúng ta cho Đức Chí Tôn và sau cùng là đọc ngũ nguyện. Đặc biệt, dâng tam bửu là thi hành câu”Thầy là các con, các con là Thầy” đó vậy.
Tới đây, nếu ai có căn cơ cao trọng thì đã hiểu, đã ngộ đạo, tức là thành Phật. Thành Phật là khác, còn luyện tam bửu để đoạt pháp, đoạt đạo là khác.
Như vậy, các con đừng nên sợ giáo lý Cao Đài eo hẹp mà nên sợ rằng các con không đủ khả năng diễn tả tột cùng giáo lý Cao Đài mà thôi. Nếu các con làm được như vậy, nghĩa là các con diễn tả tột cùng giáo lý Cao Đài thì các con sẽ là Thầy đó vậy.
Bát Nương hi vọng sau những lần nhập Vạn Pháp cung hay Trí Huệ cung, các con sẽ có những người bạn hoặc chính các con có đủ khả năng làm được việc ấy.


                                                                       
 PHẦN THỰC HÀNH


Đêm 21 rạng 22 tháng 4 năm Kỉ Mùi (1979)

Bát Nương mừng các con.
Đêm nay, Bát Nương giảng tiếp về bí pháp luyện đạo.
Hôm qua nói về giáo lý Cao Đài hơi nhiều, nay trở lại phần thực hành cho các con lãnh hội.
Luyện đạo thực hành là phần luyện và tịnh tại Vạn Pháp cung hay Trí Huệ cung. Trước khi thực hành phần luyện và tịnh, phải theo các điều khoản sau đây:
1)Mở đầu là lễ trấn pháp và trấn thần. Trấn pháp và trấn thần là lễ khánh thành Vạn Pháp cung và Trí Huệ cung. Mặc dầu tại Trí Huệ cung đã có Đức Hộ Pháp trấn pháp rồi, nay phải trấn pháp lại. Trấn thần là lễ nhập khóa của các vị tu chơn. 
Trước khi vào phần luyện và tịnh, Bát Nương sẽ truyền dạy cho Từ Huệ 2 bí pháp này.
2)Trấn thần xong, nhập tịnh luôn 100 ngày thì làm lễ xuất tịnh. Sau xuất tịnh, ai được căn bản nào thì giữ căn bản nấy, để rồi sau đó có thể tiếp tục luyện thêm, luyện cho đến khi nào có kết quả mới thôi. Chỉ trừ vị nào căn quả ít mà bỏ cuộc, còn vị nào đoạt pháp rồi thì tùy nghi mà lập công đức với Đức Chí Tôn. Cấm không được chia phe phái rồi sau sẽ thành tả đạo bàng môn.
3)Tại Trí Huệ cung hay Vạn Pháp cung, hội thánh quản lý việc xuất nhập, hành chánh, nội qui, kỉ luật, ăn uống, cúng kiếng.
4)Chỉ được ăn uống trong 3 bữa ăn chính: sáng điểm tâm, trưa cơm, chiều cơm. Không được ăn những thứ nóng như: ớt, tiêu, gừng, tỏi vì những thứ này làm hại thần hoặc tản thần.
5)Cơm chỉ có hai thứ ăn được: tùy theo hội thánh, đó là ăn chay theo lối cổ truyền Việt Nam hoặc cơm gạo lứt muối mè theo lối của người Nhật.
6)Không làm việc nặng nhọc suốt 100 ngày luyện đạo.
7)Khi luyện đạo phải mặc áo dài trắng, không cần mặc đại phục.
8)Chỗ tịnh và luyện tại giường ngủ của mỗi người.
9)Không đèn nhang hay vật gì khác.
10)Tạo điều kiện cho không có muỗi, tốt nhất là nên ở trong mùng khi tịnh luyện
11)Bắt đầu phần luyện và tịnh thì lấy dấu mặc niệm Đức Chí Tôn thêm sức hiệp thần và cầu xin Đức Hộ Pháp trấn giữ Nê hườn cung.
12)Dứt phần luyện và tịnh, đưa hai bàn tay chà xát vào nhau, rồi đưa hai bàn tay lên vuốt hai mí mắt, vuốt từ trong ra ngoài.Vuốt mắt xong thì vuốt mặt từ trán xuống càm, rồi từ càm ra sau ót. Làm như vậy một lần gọi là xả luyện.



 LUYỆN TINH HÓA KHÍ : PHẦN THỰC HÀNH
         
Luyện tinh hóa khí phần thực hành có ba phần quan trọng: trường chay tuyệt dục, tu chơn, luyện kỉ. Ba phần này lúc nào cũng thực hiện song song với nhau để phần này hổ trợ cho phần kia.
1.     Trưòng chay tuyệt dục:
Đức Chí Tôn nói:”Nếu các con còn ăn mặn mà luyện đạo, rủi có ấn chứng làm sao giải tán cho đặng. Đến khi được hườn, nghĩa là đắc đạo thì trượt khí vẫn còn. Mà trượt khí là vật chất tiếp điễn thì chưa ra khỏi làn không khí đã bị sét đánh tiêu diệt. Còn như biết khôn ẩn núp tại thế mà làm một bậc nhơn tiên thì kiếp đọa trần vẫn còn chưa mãn”.
Theo thánh ngôn của Đức Chí Tôn trên đây, ta thấy phần luyện đạo phải trường chay. Nhưng trường chay không chưa đủ, mà còn phải tuyệt dục nữa. Dục ở đây không phải là muốn mà là tư tưởng dục tình. Tuyệt dục có nghĩa là bỏ điều dâm dục. Bỏ dục tình, bởi trường chay mà không tuyệt dục cũng như nấu cơm mà không đổ nước vậy. Hơn nữa, tuyệt dục là nguyên tắc nghịch chuyển, đem chơn tinh lên nuôi chơn khí, dùng chơn khí xuất chơn thần.
Đức Hộ Pháp cũng nói ở phần luyện trí như sau:
- Am  thực tinh khiết (trường chay )
- Tư tưởng tinh khiết ( tuyệt dục, bỏ tư tưởng dục tình ).
- Tín ngưỡng mạnh mẽ nơi Chí Tôn và Phật Mẫu ( đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp ), ấy là chìa mở Bát Quái đài tại thế.
2)     Tu chơn:
Muốn cho thể xác trong sạch, ta phải bỏ lục dục thất tình, nói chung là nhơn đạo. Dục ở đây là muốn, phần giáo lý đã nói rõ điều này rồi.
3)     Luyện kỉ:
Tức là phần thực hành bí pháp luyện đạo. Luyện kỉ có hai phần: luyện và tịnh. Luyện 15 phút, tịnh 15 phút. Mỗi đêm chọn một giờ nhất định, như chọn 24 giờ thì mỗi đêm cứ đúng 24 giờ là hành pháp ( tức 12 giờ khuya ).
Thời gian luyện tinh hóa khí là 50 ngày. Phần này nhà Phật gọi là nấu bầu Âm Dương, Tiên gia gọi là tu luyện linh đơn, Nho gọi là qui phục chơn nhất khí.
Bắt đầu luyện và tịnh, mặc áo dài trắng, ngồi tại đầu giường ngủ, ngồi bán kiết già trên gối gòn ( gối tai bèo ). Làm dấu mặc niệm Đức Chí Tôn, cầu xin Đức Chí Tôn thêm sức hiệp thần, cầu Đức Hộ Pháp trấn giữ Nê hườn cung. Cầu nguyện xong, thòng hai tay xuống, tay trái bắt ấn tý để vào lòng bàn tay phải. Tay phải hơi xòe ra, đừng nắm lại. Hai tay xuôi xuống cho thong thả. Lưng thẳng lên, đừng khòm xuống. Hơi thở điều hòa thong thả. Mắt nhắm lại. Trong thời gian 100 ngày luyện đạo, 15 phút luyện phải thở bụng. Thở bụng có nghĩa là hít hơi vô bằng mũi, hơi vô tới phổi nhưng ngực không có phình lên, dùng tư tưởng đưa hơi đó xuống đơn điền, lúc đó bụng lại phình lên.
Khi thở ra thì hơi phổi ra, chớ không phải từ đơn điền đưa ra. Tư tưởng không nghĩ gì hết, không nghĩ là từ đơn điền ra, nhưng bụng lại xẹp xuống. Hít thở như vậy gọi là thở bụng hoặc là khí công.
Ngày xưa, người ta dùng khí công để luyện đạo. Nay khí công đã thất truyền nên chỉ còn dùng để chữa bệnh và luyện võ nghệ mà thôi.
Bây giờ, Bát Nương dùng khí công để luyện đạo, tức là phù hợp với thánh ý của Đức Chí Tôn, như Đức Chí Tôn đã nói:” từ ngày đạo bế, luật tu hãy còn nguyên, luyện pháp không dời đổi. Song thiên đình mỗi phen đánh tản thần không cho hợp cùng tinh, khí. Nay Thầy hườn nguyên chơn thần cho các con đắc đạo.” Luyện pháp tức khí công, khí công tức luyện đạo. “Công tham thái cực” là như vậy.
Hít thở trong 15 phút như vậy ước độ 180 lần. Mỗi phút hít thở độ 12 lần. Tuy nhiên, tính thời gian thở là 15 phút, chớ đừng đếm số lần thở. Hít thở bằng mũi bình thường. Những lúc hít vô, dùng tư tưởng nghĩ là hơi vô từ mũi-phổi-đơn điền. Trong khi đó bụng lại phình lên. Còn thở ra thì không ngĩ gì cả, nhưng bụng lại xẹp xuống.
Đơn điền ở dưới rốn độ hai lóng tay trỏ. Đơn điền là mạng môn, là cửa sống của con người. Nơi đây qui tụ tinh chất của con người và hướng dẫn tinh chất theo đường thuận chuyển để tạo thành một hài nhi mới. Đơn điền do ý điều khiển. Nếu ý muốn tinh chất đó đi xuống để tìm khoái lạc cho thể xác thì tinh chất đi xuống để thoả mãn dục tình ( tức là thuận chuyển ). Nếu ý không muốn tinh chất đi xuống mà muốn đi lên, tức là hướng thượng (tức là nghịch chuyển ) thì tinh chất sẽ đi lên để thỏa mãn tâm linh. Cái ngoắc ngoéo của luyện tinh hóa khí là ở chỗ đó, cái khó cũng là ở chỗ đó. Xưa kia,khi luyện đạo tới phần này, người ta gọi là chuyển luân xa, mà chuyển luân xa không phải như vậy.
Đơn điền là một cái huyệt. Nếu theo khoa học dùng phương pháp giải phẫu tìm thì không thấy, vì nó không có hình tướng như tâm, can, tì, phế, thận; nhưng mà có. Nó có sức mạnh phi thường. Ngưòi xưa tập võ thường vận khí nơi đơn điền, đánh ra một chưởng, chưởng này có sức mạnh ngàn cân. Người phương Tâytập thể dục vận khí công  nơi đơn điền để cử tạ nặng gơn 200 kí-lô-gam.
Đơn điền là nơi chỉ huy sức mạnh của con người, chỉ huy sức mạnh của thể xác, mà sức mạnh của thể xác là khí Hậu Thiên-do tinh chất của vật chất biến thành. Hơi thở là khí Tiên Thiên. Đem hơi thở vào đơn điền là đem khí Tiên Thiên vào hòa hợp với khí Hậu Thiên. Tiên Thiên, Hậu Thiên hòa hợp, thể xác sẽ có sức mạnh phi thường.
Ở phần giáo lý về luyện đạo, Bát Nương có nói: muốn thể xác cường tráng, phải tập thể dục mỗi ngày và lấy Tiên Thiên khí nuôi Hậu Thiên khí là như vậy.
Đem hơi thở vào như vậy 180 lần là đủ, tức là 15 phút. Khi đủ 180 lần, ta lấy tay sờ đơn điền coi có nóng hay không. Nếu có nóng thì lấy tay xoa mạnh vài ba lần. Bởi vì nóng là khí Tiên Thiên hơi nhiều, ta xoa như vậy là làm cho khí Tiên Thiên tan đi hết là xong.
Tập hít thở như vậy, mỗi đêm mỗi tập. Tập được 30 ngày thì bầu Âm Dương rất sung mãn. Âm Dương phát khởi vạn năng, tạo cho thể xác một sức mạnh hữu hình. Sức mạnh đó  có được là nhờ tập thể dục cộng với sự trường chay tuyệt dục của thể xác, cộng với tu chơn, tức là từ bỏ lục dục thất tình của tinh thần.
Sức mạnh đó biến thành chơn tinh. Muốn đem chơn tinh nuôi chơn khí thì phải nghịch chuyển. Qua 15 phút luyện đến 15 phút tịnh.



                                                       




Đêm 22 rạng 23 tháng 4 năm Kỉ Mùi (1979)

Bát Nương mừng các con.
Đêm qua, Bát Nương dạy 15 phút luyện.
Đêm nay đến 15 phút tịnh. Luyện và tịnh liên quan mật thiết với nhau. Luyện phải tịnh, tịnh phải luyện. Phần này nhà Phật gọi là thiền. Luyện là đời, tịnh là đạo.
“Đạo không đời không sức, đời không đạo không quyền. Đạo đời hiệp một mới mong tạo thời cải thế.” Người đạo biết áp dụng câu này là đủ sức thành Tiên, thành Phật. Người đời biết áp dụng câu này là đủ quyền cai quản năm châu.
Luyện là ngày, tịnh là đêm. Ngày để cho cơ thể hoạt động, đêm để cho tâm linh hoạt động. Ngày là dương, đêm là âm. Âm dương hòa hợp phát khởi càn khôn. Luật dinh hư tiêu trưởng của Trời là như vậy.
Thời gian tịnh là 15 phút. Khi tịnh cũng ngồi bán kiết già. Mắt nhắm lại nhưng đừng cố gắng lắm, chỉ sụp mí xuống là được. Mặt hướng ngay tới trước, đừng ngó xuống hoặc ngó lên quá. Tay chân thân thể đừng nhúc nhích. Toàn thân vắng lặng, yên tịnh, nghiêm trang.
Trong 15 phút tịnh, thở bình thường, nghĩa là thở phổi, hít hơi bằng mũi, hơi vô tới phổi ngừng lại, ngực phình lên rồi thở ra, ngực lại xẹp xuống. Không dùng tư tưởng đưa hơi xuống đơn điền. Thở như vậy gọi là thở phổi.
Ta nên nhớ:  LUYỆN THỞ BỤNG - TỊNH THỞ PHỔI.
15 phút này rất quan trọng. Tập trung tư tưởng lại, tập trung ý nghĩ  lại, đừng cho dấy lên. Tập trung ý nghĩ lại đừng suy nghĩ gì nữa, đừng nhớ việc này, việc khác.
Ngày xưa, luyện đạo đến phần này, nhà Phật gọi là” tâm viên ý mã “. Tâm là con vượn, ý là con ngựa. Tâm ý chạy nhảy lung tung. Tâm ý càng bị tập trung chừng nào thì tâm ý lại càng suy nghĩ. Phần này coi vậy mà rất khó. Ngày xưa, tịnh đến phần này, ngưòi ta đếm hơi thở để tập trung ý lại, nhưng không có kết quả. Bởi vì có đếm là có nhớ, có 1 tức có 2, đếm 1 sẽ đếm 2. Như vậy, tâm ý vẫn còn hoạt động. Tịnh là bắt tâm ý không hoạt động nữa, không cho tới mức không không.
Muốn cho tâm ý không hoạt động nữa, trước hết ta phải từ bỏ dục tình, từ bỏ lợi danh, từ bỏ ham muốn, cho tới không ham muốn thành Phật nữa. Không ham muốn, tức không suy nghĩ, không so đo, không cân nhắc, cho tới mức không không. Chừng đó, trong cái không không đó lộ ra một ánh sáng. Trong ánh sáng đó, ta thấy ý điều khiển lục dục thất tình. Tâm điều khiển ý.
Bây giờ, ta đem ý về một chỗ, đem tâm về một chỗ. Đem ý về một chỗ gọi là thành ý, đem tâm về một chỗ gọi là chánh tâm. Thành ý, chánh tâm là phương luyện kỉ tốt nhất. Thành ý, chánh tâm sẽ tạo ra một tư tưởng mới, tư tưởng bác ái-công bình, tức là tư tưởng vị tha. Tư tưởng vị tha sẽ tạo được sức mạnh vô hình để bồi bổ tâm linh.
          -Luyện là sức mạnh hữu hình.
          -Tịnh là sức mạnh vô hình.
Hai sức này hòa hợp sẽ dẫn dắt con người hướng thượng, tức là hướng về Thượng Đế, hướng về Thái Cực Thánh Hoàng.
Luyện 15 phút, tịnh 15 phút, cộng chung là 30 phút. Khi đủ 30 phút, làm động tác xả luyện. Tịnh luyện được như vậy được 30 ngày thì thể xác đầy đủ sinh lực, tư tưởng sáng suốt, tâm hồn thơ thới nhẹ nhàng, thần sắc tươi nhuận. Như vậy, tinh đã hóa khí. Ta phải tiếp tục tịnh và luyện thêm 20 ngày nữa để cho tinh hóa khí hoàn toàn và đem tinh từ đơn điền ( tức bầu âm dương ) qua hỏa hầu ( tức là đốt xương sống thứ 7 ), dự trữ tại hỏa hầu 20 ngày thì chơn tinh biến thành âm dương khí.
30 ngày trước và 20 ngày sau cộng chung là 50 ngày thì hết phần luyện tinh hóa khí.

                                                       


Đêm 23 rạng 24 tháng 4 năm Kỉ Sửu (1979 )

Bát Nương mừng các con.
Đêm nay nói thêm về luyện tinh hóa khí.
30 ngày đầu luyện tinh hóa khí tại bầu âm dương (đơn điền). Khi bầu âm dương đầy đủ sinh lực thì dấu hiệu đầu tiên nhận biết là: nam phái sanh cường lực, nhiều khi ban đêm có di tinh và mộng tinh; nữ phái thì hay mơ mộng về đường tình ái.
20 ngày kế cũng là luyện tinh hóa khí, nhưng để đưa chơn tinh đó từ bầu âm dương qua hỏa hầu, tức là đốt xương sống thứ 7, nghĩa là từ đốt xương sống dưới cùng đếm lên đốt thứ 7. Phía trước là đơn điền, phía sau là đốt xương sống thứ 7. Đốt này rất quan trọng, nó chịu đựng sự chống chỏi của cơ thể mà cũng là nơi phân phát các dây thần kinh. Nó còn là nơi tập trung mọi sự hiểu biết của ngũ giác quan rồi chuyển lên óc.
Trong 20 ngày sau của phần luyện tinh hóa khí, ta cũng thực hành 15 phút luyện, 15 phút tịnh. Cách thức giống 30 ngày đầu, nhưng phần luyện có khác. Bắt đầu thở bụng ước độ 180 cái, nghĩa là tròn 15 phút, cũng hít vô bằng mũi, dùng tư tưởng đưa hơi đó xuống đơn điền và hỏa hầu, bụng phình lên, khi tới hỏa hầu thì thôi, lại thở ra, bụng xẹp xuống thở ra, đưa hơi thở từ phổi ra, chớ không đưa từ hỏa hầu ra (số hơi mà ta dùng tư tưởng đưa qua hỏa hầu). Khi hít vô thì tâm niệm: mũi-phổi-đơn điền-hỏa hầu.
Chú ý: một vài hơi hít thở đầu thì tâm niệm đầy đủ như vậy, nhưng đến những hơi thở kế tiếp thì phải tâm niệm: mũi-hỏa hầu, bỏ bớt chữ phổi và đơn điền.
Tới hỏa hầu thì ngừng. Vừa tới hỏa hầu thì vừa  đủ một hơi hít vô. Hết hít vô thì tới thở ra, nhưng lặng thinh không nói gì hết. Luyện và tịnh như vậy 20 ngày nữa thì tinh hoàn toàn hóa khí. Khi đó, tinh biến thành âm dương khí hay gọi là chơn tinh.
Đủ 180 hơi luyện, đến 180 hơi tịnh.
Tịnh cũng như 30 ngày đầu, cũng thở như thường lệ, tức là thở phổi. 15 phút yên lặng là để gom tâm ý lại một chỗ và bắt nó yên lặng rốt ráo, yên lặng tuyệt đối, nghĩa là không còn một niệm nào xuất hiện trong thần trí nữa. Đó là phần tịnh uyên thâm, phần tịnh vô vi. 15 phút ngồi tịnh là để dùng phép hồi quang phản chiếu soi thấu nội tâm, lắng nghe nội tâm hoạt động.
Thời gian luyện là khác, thời gian tịnh là khác. Luyện dùng ngũ giác quan, tịnh bế hết ngũ giác quan. Thở mà không thở, không để ý đến thở, không cho đến mức không không. Ngày xưa, theo nhà Phật thì khi tịnh tới mức không không sẽ đạt được huệ, tức là đạt được lục thông. Ở đây, ta tịnh tới mức không không thì tâm ý tạo thành một sự sáng suốt để hướng dẫn âm dương khí lên ót.
Phần luyện tinh hóa khí hơi khó, nên Bát Nương nói nhiều, giải thích tỉ mỉ cho các con dễ hiểu, luyện đạo mới có kết quả. Phần luyện khí hóa thần và phần luyện thần hườn hư rất dễ, nên Bát Nương nói ít vì hai phần này ít phụ thuộc vào ta, mà phụ thuộc rất nhiều vào Đức Chí Tôn , Đức Hộ Pháp và Đức Thượng Phẩm.
Nếu ta được hồng ân của Đức Chí Tôn thì hai phần này đoạt rất dễ dàng.

     
   LUYỆN KHÍ HÓA THẦN : PHẦN THỰC HÀNH

Khi thấy trong mình thơ thới nhẹ nhàng, thần trí mở mang, thể xác khỏe mạnh thì tiếp qua phần luyện khí hóa thần.
Thời gian 40 ngày, mỗi ngày 30 phút, 15 phút luyện, 15 phút tịnh.
20 ngày đầu đưa hơi thở từ hỏa hầu lên ót, 10 ngày kế tiếp đưa hơi thở từ ót vô óc, 10 ngày sau từ óc qua huyền qua khiếu.
Khi luyện cũng ngồi bán kiết già, làm dấu mật niệm Đức Chí Tôn, cầu xin Đức Chí Tôn thêm sức hiệp thần, cầu xin Đức Hộ Pháp trấn giữ Nê hườn cung. Xong, nhắm mắt lại, bắt đầu hít thở 180 cái. Các con phải nhớ: luyện thở bụng, tịnh thở phổi; luyện thì tâm niệm, tịnh thì không tâm niệm gì hết.
Bây giờ bắt đầu hít thở 180 cái. Hít vô thì tâm niệm: mũi-phổi-đơn điền-hỏa hầu-ót. Hơi thở đầu thì tâm niệm như vậy, còn mấy lần sau thì tâm niệm ngắn thôi (tâm niệm: mũi-ót), đồng thời bụng phình lên. Tới ót thì thôi, cũng vừa đủ một hơi hít vô. Hết hít thì thở ra, bụng xẹp xuống.
Chú ý: đưa hơi thở từ hỏa hầu lên ót, phải đưa trong hành tủy của xương sống, bởi vì trong hành tuỷ mới là nơi tập trung các đường kinh mạch, các dây thần kinh, các hệ thống liên lạc của ngũ giác quan từ các nơi lên óc.
Đưa hơi thở từ hỏa hầu lên ót là đưa âm dương khí lên ót, dự trữ lại ót đủ 20 ngày cho âm dương khí hoàn toàn đầy đủ mới đưa vô óc, và 10 ngày sau mới đưa qua huyền quan khiếu.
Tóm lại: 20 ngày từ hỏa hầu lên ót, 10 ngày từ ót vô óc, 10 ngày từ óc qua huyền quan khiếu, tất cả là 40 ngày của phần luyện khí hóa thần.
Trong phần đưa âm dương khí từ hỏa hầu lên ót. Mấy ngày đầu không thấy gì, nhưng mấy ngày sau có nhiều khi xương sống nghe ớn lạnh hoặc nghe nhột nhạt như có vật gì bò, hoặc rùng mình nghe khó chịu, hoặc có những hiện tượng khác. Những hiện tượng như vậy rất tốt, chứng tỏ phần luyện khí hóa thần sắp có kết quả, không có gì nguy hiểm, đừng sợ, cứ tiếp tục luyện.
Khi hơi thở từ đơn điền qua hỏa hầu, nó sẽ biến thành âm dương khí. Ở nam phái sẽ hết mộng tinh, ở nữ phái sẽ hết phần kinh nguyệt.
Hết 15 phút luyện đến 15 phút tịnh. Tịnh tức là ngồi yên lặng, hơi thở bình thường (thở phổi), nhắm mắt lại, dùng phép hồi quang phản chiếu soi thấu nội tâm, nghe nội tâm hoạt động. Nội tâm tức lương tâm, tức điểm linh quang Đức Chí Tôn phó thác. Nội tâm hoạt động, tức là lương tâm điều khiển ý, bảo ý lắng đục tìm trong, tức là điều khiển lục dục thất tình. Kiểm điểm xong thì từ bỏ, loại dần cái xấu và giữ lại cái tốt. Từ bỏ từng cái một cho đến khi nào không còn cái gì để từ bỏ, nghĩa là bỏ cho đến không không, là phương pháp luyện ý và tu tâm đó vậy.
Đức Hộ Pháp cũng có nói trong phần luyện kỉ như sau: đó là phương pháp trị tâm, vì tâm là hình ảnh của thiên lương. Đức tâm và khôn ngoan là kho chí bửu, ngoài ra là của bỏ, là đồ vô giá trị. Ai đã cố oán kẻ thù của mình thì không giữ thanh tâm chơn chánh cho đặng. Ai chẳng oán hận mới thắng kẻ thù nghịch của mình. Sự thù hận là khối thảm khổ cho nhơn loại, là mối sầu khổ đệ nhất của con người, nên người hiền thì không biết đến, hoặc từ bỏ thù hận oán ghét.
Thắng đặng khí nộ của mình thì không chọc ai giận giữ.
Lấy thiện trừ ác, lấy nhơn nghĩa trừ bạo tàn.
Lấy lòng quảng đại đặng mở tâm lý hẹp hòi.
Lấy chánh trừ tà, ấy là đường thương huệ kiếm.
Đặc biệt phần này, Đức Hộ Pháp dạy từ bỏ khí nộ của mình, lấy lòng quảng đại đặng mở tâm lý hẹp hòi. Đó là luyện tâm-trí-ý rất quan trọng. Đó là kiểm điểm để từ bỏ, từ bỏ cho đến hết cái xấu, từ bỏ cho đến khi không còn cái gì để từ bỏ. Lúc đó, trí sẽ sáng suốt, làm ngòi nổ cho Huệ quang khiếu mở ra, bừng sáng ra, tức là khí đã hóa thần.


                                                     



Đêm 24 rạng 25 tháng 4 năm Kỉ Mùi (1979)

Bát Nương mừng các con.
Đêm nay, Bát Nương giảng tiếp phần luyện khí hóa thần.
20 ngày đầu của luyện khí hóa thần là đưa âm dương khí từ hỏa hầu lên ót. Còn lại 20 ngày sau chia làm hai: 10 ngày luyện đưa âm dương khí từ ót vô óc, 10 ngày sau luyện đưa âm dương khí từ óc qua Huệ quang khiếu, tức là Huyền quang khiếu. Câu kinh:”Phá nhứt khiếu chi huyền quang “ là như vậy.
Khi luyện đưa âm dương khí hỏa hầu lên ót 20 ngày cũng thở bụng. Nhưng bây giờ, mỗi lần hít vô thì tâm niệm: mũi-phổi-đơn điền (bụng phình lên)-hỏa hầu-ót. Vừa hít vô vừa tâm niệm như vậy, tới ót thì hết một hơi hít vô. Nhưng hơi hít đầu thì tâm niệm đầy đủ như vậy, còn những hơi sau thì tâm niệm vắn tắt: mũi-ót mà thôi. Hết hít thì thở ra. Khi thở ra thì bụng xẹp xuống.
10 ngày đưa vô óc và 10 ngày từ óc đưa ra Huyền quang khiếu cũng tâm niệm từng chặng như vậy.
 Hết 15 phút luyện đến 15 phút tịnh. Tịnh cũng bế hết ngũ giác quan, thở phổi nhưng không để ý đến thở.
Hết 20 ngày luyện đưa âm dương khí từ hỏa hầu lên ót, đến 10 ngày luyện đưa âm dương khí từ ót vô óc và 10 ngày từ óc ra Huyền quang khiếu.
Phần luyện khí hóa thần 10 ngày sau cùng này là quan trọng. Khi luyện cũng hít vô và tâm niệm: mũi-phổi-đơn điền (bụng phình lên)-hỏa hầu-ót-óc-Huyền quan khiếu. Tới Huyền quan khiếu thì hết một hơi hít vô. Hơi hít vô lần đầu thì tâm niệm đầy đủ như vậy, nhưng những hồi sau thì tâm niệm vắn tắt: mũi-Huyền quan khiếu. Hít vô, bụng phình lên; thở ra, bụng xẹp xuống.
Mười  ngày luyện khí hóa thần này rất quan trọng. Trong 10 ngày này, óc làm việc rất nhiều. Óc tiếp nhận âm dương khí từ ót đưa vô, đồng thời cũng tiếp nhận thần từ Nê hườn cung-tức mỏ ác đưa xuống, nghĩa là tiếp nhận chơn tinh từ dưới đơn điền đưa lên, mà cũng tiếp nhận điển lực càn khôn vũ trụ (tức là tiếp nhận Hỗn ngươn khí, mà Hỗn ngươn khí là thần) từ Nê hườn cung do Đức Hộ Pháp đưa vào. Lúc này,Âm dương khí và Hỗn ngươn khí quyện vào nhau, quấn quít nhau, quay tròn như chong chóng, tạo thành một ánh sáng huyền diệu như ánh sáng Thái cực, như tia sáng laser để mở Huyền Quan Khiếu. Câu kinh:”Công tham Thái cực” là như vậy.
Đức Chí Tôn nói:”Thầy đã hườn nguyên chơn thần cho các con đắc đạo. Con đã hiểu”Thần cư tại nhãn”, nhãn đây không có nghĩa là con mắt phàm mà là con mắt thiêng liêng, con mắt thứ ba, tức là Huyền quan khiếu đó vậy.
Khi tinh-khí hiệp với thần, nó sẽ biến thành một tia sáng, như tia sáng Thái cực, như tia laser, phóng thẳng vào Huyền quan khiếu, làm Huyền quan khiếu mở ra, tức là con mắt thứ ba mở ra. Câu kinh:”Phá nhứt khiếu chi huyền quan” là như vậy.
Khi con mắt thứ ba mở ra, sẽ ngó thẳng vào càn khôn vũ trụ, ngó thẳng vào tam thập lục thiên, tam thiên thế giới. Ngó lên thấy, thấy nên muốn đến, muốn đi đến đó, nhưng thể xác không đi được, nên tự nhiên trong thể xác chúng ta xuất hiện ra một người nữa. Ngưòi đó là đệ nhị xác thân, tức là chơn thần của ta đó vậy.
Khi chơn thần xuất ra như vậy là khí đã hóa thần. Tiếp theo là phần luyện thần hườn hư





LUYỆN THẦN HƯỜN HƯ: PHẦN THỰC HÀNH

Luyện thần hườn hư là luyện đem chơn thần ra khỏi thể xác và đem chơn thần vào cõi vô vi, tức là đem điểm linh quang về với Đức Chí Tôn.
Đức Chí Tôn có nói:” Cái xác thiêng liêng này khi còn ở xác phàm thì khó xuất ra lắm, vì nó bị xác phàm kéo níu. Cái chơn thần ấy của Thánh-Tiên-Phật thì huyền diệu vô cùng, bất tiêu bất diệt. Bậc chơn tu khi còn xác phàm nếu đắc đạo thì có thể xuất ngoại trước buổi chết mà vân du thiên ngoại. Duy chơn thần ấy mới đặng đến trước mặt Thầy.”
Trong 40 ngày luyện khí hóa thần, quan trọng là đưa khí âm dương từ óc qua Huyền quan khiếu. Trong khoảng 10 ngày, không biết ngày nào Huyền quan khiếu mở ra. Nếu Huệ quang khiếu mở ra sớm thì tiếp phần luyện thần hườn hư ngay, không chờ đủ 10 ngày như đã ấn định. Tuy nhiên, nếu Huệ quang khiếu mở chậm, nghĩa là hết 10 ngày đưa âm dương khí từ óc qua Huệ quang khiếu mà Huệ quang khiếu chưa mở ra thì vẫn tiếp tục luyện thêm 10 ngày nữa. Sau khi hết 10 ngày nữa mà Huệ quang khiếu vẫn chưa mở ra, nghĩa là đủ 100 ngày nhập tịnh thì bắt buộc phải xuất tịnh, chờ cơ hội khác, chớ không được ở lại thêm một ngày nữa, dù một ngày cũng không được. Nhưng nếu 10 ngày sau cùng, Huệ quang khiếu mở ra, tức là chơn thần xuất ra được thì tiếp tục luyện qua 10 ngày luyện thần hườn hư. Như vậy là 110 ngày. Đây là trường hợp ngoại lệ.
Luyện thần hườn hư 10 ngày, mỗi ngày 30 phút: 15 phút luyện, 15 phút tịnh.
Trong 15 phút luyện, mở đầu cũng ngồi bán kiết già, làm dấu mật niệm Đức Chí Tôn, cầu xin Đức Chí Tôn thêm sức hiệp thần, cầu xin Đức Hộ Pháp trấn giữ Nê hườn cung. Rồi thì bắt đầu thở bụng, hít thở như phần luyện khí hóa thần. Hít vô cũng tâm niệm: mũi-đơn điền (bụng phình lên)-hỏa hầu-ót-óc-Huyền quan khiếu. Tới Huyền quang khiếu thì hết một hơi hít vô. Hết hít vô thì thở ra, thở ra thì bụng xẹp xuống. Một hơi đầu thì tâm niệm như vậy, nhưng mấy lần sau, chỉ niệm vắn tắt: mũi-Huyền quan khiếu. Mỗi hơi thở ra là một tâm niệm.
Nhiều khi chơn thần xuất ra trong 15 phút luyện, cũng có nhiều khi đến phần tịnh, chơn thần mới xuất ra. Cái khó là khi chơn thần xuất ra là bị xác phàm kéo níu. Bây giờ muốn cho xác phàm không kéo níu nữa, ta phải làm cho xác phàm ngủ quên đi. Luyện và tịnh làm cho xác phàm ngủ quên vậy.
Tịnh là bế hết ngũ giác quan, thở mà không nghe thở. Tâm ý tập trung lại, yên lặng cho tới mức không không. Không không cho thể xác ngủ quên. Khi thể xác ngủ quên trong cái yên lặng không không đó thì tự nhiên bốc lên một ánh sáng. Ánh sáng đó là chơn thần xuất ra. Khi chơn thần xuất ra thì thể xác cũng thức theo. Khi thể xác thức dậy thì có hai sự hiểu biết giống nhau: sự hiểu biết của thể xác và sự hiểu biết của chơn thần. Hiểu biết lẫn nhau để điều khiển lẫn nhau. Chơn thần muốn đi thì điều khiển thể xác. Thể xác muốn về thì điều khiển chơn thần. Điều khiển hổ tương như vậy để cho chơn thần đi ra mà không đi luôn, mà cũng để cho thể xác muốn xuất chơn thần lúc nào cũng được. Câu kinh:”tánh hiệp vô vi thống tam tài chi bí chỉ” là như vậy.
Luyện thần hườn hư là luyện cách làm cho chơn thần xuất ra bất cứ lúc nào ta muốn, và làm cho chơn thần đi thật xa mà trở lại dễ dàng. Được như vậy là luyện thần hườn hư đã thành công.
Khi chơn thần xuất ra rồi, ta luyện cho sợi dây từ khí biến thành làn sóng điện. Như Bát Nương đã nói ở phần giáo lý, bằng cách đi tới đi lui, đi xa đi gần, liên lạc thường xuyên giữa thể xác và chơn thần để cho dây từ khí thun giãn già dặn thêm lên, cho đến khi nào chơn thần đi thật xa mà sợi dây từ khí vẫn còn liên lạc với thể xác, bấy giờ ta mới có thể đi khắp càn khôn vũ trụ.
Muốn đi khắp càn khôn vũ trụ, ta phải cầu xin với Đức Thượng Phẩm. Khi ấy, Đức Thượng Phẩm chỉ cần điều động cây Long Tu Phiến là chơn thần ta đến nơi theo ý muốn. Cho nên Đức Hộ Pháp có nói khi trấn pháp tại Trí Huệ cung Thiên Hỷ động ngày 14 tháng 12 năm Canh Dần 1950 như sau:
“Trong Trí Huệ cung Thiên Hỷ động có hai món bí pháp trấn giữ, đó là cây Long Tu Phiến của Đức Cao Thượng Phẩm, cây Kim Tiên của bần đạo. Toàn thể ngó thấy không có gì hết, mà trong đó quyền pháp vô biên vô giới. Giải thoát đặng cùng chăng là do bao nhiêu đó.”
Đức Hộ Pháp dùng cây Kim Tiên đào độn nguyên khí tức là điển lực càn khôn vũ trụ, đưa vào óc bằng cửa Nê hườn cung, hiệp với chơn tinh từ đơn điền đưa lên làm thành điển lực duy nhất mở đệ bát khiếu tức là Huyền quan khiếu cho chúng ta đoạt đạo.
Khi đoạt đạo, chơn thần mới xuất ra. Khi chơn thần xuất ra rồi, muốn đi đâu lại phải nhờ cây Long Tu Phiến của Đức Thưọng Phẩm là như vậy.
Cây Long Tu Phiến tượng trưng sinh lực, cây Kim Tiên tượng trưng điển lực. Cây Long Tu Phiến điều động tức thời sinh lực càn khôn vũ trụ. Lúc đó tùy theo căn cơ, tuỳ theo duyên phần của nỗi người đoạt đạo và tùy theo nơi mà chơn thần  muốn đến mà sinh lực càn khôn vũ trụ kết thành vân xa, hoặc cầu vồng đưa chơn thần đến đó. Nói thì lâu, nhưng chớp mắt đã tới rồi.
Cảnh nơi cõi thiêng liêng hằng sống huyền diệu vô cùng. Cảnh mà không phải cảnh, vật mà không phải vật; vì nó là sinh lực và điển lực của càn khôn vũ trụ hợp thành. Cho nên tuỳ theo căn cơ và duyên phần, tùy theo mức độ giác ngộ, và còn tuỳ theo chủng tộc, trí thức mỗi người đoạt đạo mà nó hiện ra, rồi còn tùy theo trình độ của mỗi người mà tự hiểu biết.
Lâu đài cung điện nơi cõi thiêng liêng hằng sống không giống như ở thế gian; vì ở thế gian là vật chết, còn ở cảnh thiêng liêng là vật sống, lúc nào nó cũng vận hành, co giãn chớp nhoáng chói lòa.Tùy theo tri thức mỗi người hiểu sao thì hiểu, thấy sao thì thấy. Mặc dù vậy, nó cũng vượt ngoài tầm hiểu biết của con người. Cho nên nếu một kiến trúc sư tài ba nhất thế gian mà thấy cung điện nơi Ngọc Hư cung rồi thì điên đi mà chớ. Bởi tài ba nhất thế gian mà so với Ngọc Hư cung thì không được đến một phần, trong khi Ngọc Hư cung muôn triệu lần hơn- cũng như đem một so với muôn triệu.”Diệu diệu huỳnh kim khuyết, nguy nguy Bạch Ngọc Kinh “là như vậy.
Cho tới hình ảnh nơi thiêng liêng  hằng sống cũng thế. Chỉ một hình ảnh Đức Phật Mẫu mà khi nhìn ai cũng thấy là mẹ của mình-bà mẹ dưới thế gian này. Bà mẹ của mình không nói mà mình biết. “Bất ngôn nhi mạc tuyên đại hóa là như vậy.” Có mà không, không mà có, huyền diệu vô cùng.”Thị không thị sắc, vô vi nhi dịch sử quần linh.” Cho nên vị nào đoạt pháp đặng về cảnh thiêng liêng hằng sống rồi khi trở lại trần gian, họ muốn chết lắm, muốn chết đặng trở lại cảnh thiêng liêng hằng sống cho mau. Về đây đặng hưởng hạnh phúc, cực lạc đời đời. Ham chết lắm, không sợ khổ, tức là giải khổ, thoát khổ, tức là thành Phật rồi vậy.
Khi nhập Vạn Pháp cung hay Trí Huệ cung, những vị nào may duyên đoạt đạo, khi trở lại thế gian, phải bình tĩnh sống và kiên nhẫn sống, sống cho hết mạng căn số kiếp của mình để phụng sự chúng sanh và lập công đoạt vị.
Càn khôn vũ trụ lớn, hàng tỉ tỉ lần lớn hơn, Cái lớn không có tột cùng. Thân thể con người là một càn khôn vũ trụ nhỏ, hàng tỉ tỉ lần nhỏ hơn. Cái nhỏ không có tột cùng. Luyện đạo là để khám phá ra và nói được những phần lớn hơn và nhỏ hơn đó. Các con khám phá và nói ra được tức là các con đắc đạo rồi đó. Người xưa khi luyện đạo thành công rồi, họ biết rõ huyền vi mầu nhiệm của trời đất. Biết để mà biết, chớ không nói ra vì không có ngôn từ để mà nói (bất ngôn nhi mạc tuyên đại hóa). Nếu mà cố nói ra, cố diễn tả một điều gì thì người đời lại cho rằng người đó điên mà thôi. Cũng như các nhà bác học ngày nay, cố giải thích những gì họ mới khám phá ra về vũ trụ không gian với một ngưòi dốt nát ít oi thì họ không thể nào hiểu nổi.
Bổn phận của các con ngày nay, khi đắc đạo rồi, các con phải nói thế nào cho người ta hiểu như các con đã hiểu. Cái khó của các con là đem sự hiểu biết của các nhà bác học về không gian, điện cơ, y khoa, địa lý mà nói với người dốt nát ít oi. Nói cho họ hiểu, làm cho họ hiểu mới khó. Khó nhưng không phải không làm được. Cái khó của Đức Chí Tôn là từ không làm ra có. Cái khó của các con là từ có trở về không. Các con ráng làm đi.
Số người còn lại sau 100 ngày nhập tịnh mà không xuất chơn thần ra được, nghĩa là không đoạt pháp, không đắc đạo, phải bình tĩnh lấy công tâm mà xét nét lại coi:
1-     Có đủ tam lập hay một phần trong tam lập chưa?
2-     Có giữ đúng trường chay tuyệt dục không ? (dục ở đây có nghĩa là tư tưởng dục tình)
3-     Có bỏ lục dục thất tình không ? (có nghĩa là muốn, tức là nhơn dục)
4-     Có tập thể dục mỗi ngày 2 lần không ?
5-     Có hiểu rõ ràng từng chữ, từng câu, từng ý nghĩa trong bí pháp luyện đạo của Bát Nương không ?
6-     15 phút luyện có thở bụng đầy đủ không ? Có một vài lầm lẫn thở phổi không ?
7-     Khi niệm, có tâm niệm từ chặng để đưa hơi từ mũi-phổi-đơn điền-hỏa hầu-ót-óc-huyền quan khiếu không ?
Nếu có một vài lần sai trái hoặc một vài lần thiếu sót thì hãy đọc kỉ lại tài liệu bí pháp luyện đạo của Bát Nương, ghi nhớ rõ ràng từng nét một, rồi chờ cơ hội khác làm lại một lần nữa. Chỉ trừ khi nào người hành pháp được giảng sư cho xuất tịnh vì lý do cơ thể không hợp với phương pháp luyện đạo này, thì không làm lại một lần nữa.
Sau khi đủ 100 ngày, làm lễ xuất tịnh rồi, người đoạt pháp có quyền định đoạt bổn phận họ đối với Đức Chí Tôn và đối với chúng sanh để lập công đoạt vị cao hơn nữa. Có người không đoạt pháp cũng có một sự sáng suốt vô cùng, gần như sự sáng suốt của các nhà bác học.
Còn những nhà bác học ngày nay trên thế giới, nếu họ may duyên gặp đựợc bí pháp luyện đạo của Bát Nương, rồi họ thành khẩn tin tưởng và quyết tâm thực hành đúng 100 ngày. Mặc dầu họ không xuất chơn thần ra được như những người đoạt pháp đoạt đạo, nhưng họ sẽ có một sự sáng suốt phi thường và nhờ đó mà họ sẽ có được những thành quả mỹ mãn trên mọi lĩnh vực nghiên cứu.
           




LỜI DẶN RIÊNG CHO NHỮNG VỊ GIẢNG SƯ Ở TRÍ HUỆ CUNG HAY VẠN PHÁP CUNG
Khi nào người hành pháp đến phần luyện tinh hóa khí mà nơi đơn điền có hơi đau ngấm ngầm, và phần luyện khí hóa thần có hơi nhức xương sống, hoặc nhức đầu, hoặc lùng bùng lỗ tai thì cho xuất tịnh ngay. Sau khi xuất tịnh thì mọi chứng đau này không còn nữa. Sở dĩ có những chứng này là vì cơ thể của họ không hợp với cách luyện tam bửu, chứng tỏ người hành pháp ít có căn cơ nên khó mà luyện tập.
Bí pháp luyện đạo của Bát Nương là phương pháp rốt ráo, không có phương pháp nào khác. Nó có giá trị tuyệt đối, nghĩa là từ nay về sau, lúc nào tu luyện cũng được, không thay đổi gì nữa.
Ai ai cũng có thể luyện tam bửu, nhưng luyện được hay không là do duyên phần của mỗi người và do lòng thành khẩn, tín ngưỡng tuyệt đối của mỗi người.
                       


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét