Cuộc đời Giáo sư Viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh có thể ví như một cuốn tiểu thuyết mà tất cả những điều thần kì đều do sự nỗ lực cố gắng và bàn tay lao động tạo nên.
Sự sống là món quà lớn nhất của cuộc đời
Nghe báo đài nói nhiều về anh như một "dị nhân không huyết áp", một "thần y" có biệt tài chữa bệnh cho người bằng phương pháp châm cứu và bấm huyệt, đến khi gặp anh ngoài đời, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi sự giản dị và trẻ trung của vị Giáo sư này. Ở thời điểm hiện tại, không chỉ là bác sĩ, võ sư, Giáo sư, anh còn đảm nhiệm vai trò như chiếc cầu nối quan trọng trong mối quan hệ Việt - Nga cũng như trong mối hảo hữu với chính quyền nhiều quốc gia trên thế giới.
Lương Ngọc Huỳnh sinh năm 1966 tại làng Dương Cốc, Quốc Oai, Hà Tây. Lúc mới sinh ra, do bị đẻ rơi trong chuồng trâu, cắt rốn sơ sài nên cậu bé Huỳnh bị nhiễm trùng uốn ván, đến lúc được người nhà đưa đến bệnh viện thì các bác sĩ đều lắc đầu, trả về cho người nhà để lo hậu sự. Ôm đứa nhỏ còn đỏ hỏn trong tay đi chôn, ai nấy đều thấy đau lòng. Cũng may, bà nội cậu bé vốn cũng là một võ sư nghe tin buồn vội vã từ Hải Phòng trở về. Thương đứa cháu bất hạnh, bà đòi bới mộ lên để nhìn mặt cháu một lần. Nhờ đó mà cậu bé chết lâm sàng có được cơ hội sống sót cuối cùng.
Tiếng tăm môn phái Lâm Sơn Động được anh đem đi khắp nơi trên thế giới
Vốn có nghề thuốc gia truyền, bà cậu đã chiến đấu giành lại đứa cháu từ tay tử thần như một kì tích. May mắn thoát chết, nhưng cậu bé lại bị bại liệt toàn thân. Một lần nữa, bà cậu lại cất công đi khắp các hang cùng ngõ hẻm, lặn lội kiếm thuốc để điều trị cho cháu. Nỗ lực của bà cuối cùng cũng được đền đáp khi 5 năm sau, cậu bé Huỳnh lần đầu tiên cử động được.
Trong câu chuyện của mình, Viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh nhắc nhiều tới bà với tất cả tình yêu thương của một người cháu, một người học trò đối với bà nội. Bà thương cháu nhưng rất nghiêm, từ việc truyền dạy y đức cho tới võ thuật đều tuân thủ gắt gao. Nhờ có bà mà đến năm 17 tuổi, chàng thanh niên trẻ Lương Ngọc Huỳnh đã có thể bốc thuốc, khám bệnh cho bà con xung quanh.
Yêu võ và được bà truyền cho hết tinh hoa của võ thuật truyền thống gia đình, năm 27 tuổi, một mình Lương Ngọc Huỳnh lặn lội sang Trung Quốc để học hỏi tinh hoa võ thuật bên ngoài. Trước đó, anh đã là trưởng môn phái Lâm Sơn Động nức tiếng trong làng võ Việt.
Sang nước bạn với hai bàn tay trắng, nhiều khi cũng phải "mãi võ kiếm sống", thậm chí phải chiến đấu lại với những lời thách thức của những môn phái xung quanh, anh luôn giữ vững tiêu chí "Muốn không bị rắc rối thì buộc mình phải chiến thắng trong tất cả các cuộc tỉ thí". Quả vậy, cho tới mãi về sau, đến khi lập nghiệp ở xứ sở Bạch Dương, chàng trai đất Việt ấy chưa một lần thất bại trên sàn đấu.
Ngoài những câu chuyện về nghiệp võ, Lương Ngọc Huỳnh chia sẻ với chúng tôi cả những tiếc nuối mà mình không thể nào thực hiện được. Có thời gian, gia đình anh từng lập ra một ban nhạc dân tộc đi biểu diễn khắp nơi nhưng có lẽ không có duyên nên đành đứt đoạn mộng cầm ca. Cũng vì kế mưu sinh mà mở lò võ, chiêu sinh học trò khi còn rất trẻ. Năm 1990, khi học trò kéo đến càng ngày càng đông, anh mới khấn tổ sư để xin thành lập môn phái của riêng mình, lấy tên là Lâm Sơn Động.
Gia đình nhỏ của Viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh
Con đường bang giao như một sự ngẫu nhiên đầy đam mê
Đến năm 2001, cơ duyên dẫn anh đến với nước Nga trong vai trò là phái viên của Đông Nam Dược Bảo Long. Anh sang Nga để phụ trách việc phân phối sản phẩm của hãng ra thị trường. Lúc bấy giờ, hội võ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga được thành lập, anh được mời đồng thời với tư cách phó chủ tịch thường trực, ủy viên Hội người Việt tại Liên bang Nga.
Do một vài lý do khách quan, anh dừng việc hợp tác với công ty Đông Nam Dược Bảo Long. Anh bắt đầu mở lò võ, chỉ vài dòng quảng cáo đơn giản, nhưng học trò kéo đến đông, trở thành một võ đường có tiếng.
Cái tự ti của một nước nhỏ, buộc Lương Ngọc Huỳnh phải chiến đấu để bảo vệ danh tiếng võ thuật của nước nhà trước những lời thách đấu của bạn. Anh nhớ lại, trong vòng 2 năm đầu, gần như ngày nào anh cũng phải thượng đài tỉ thí. Đến 1/6/2002 liên hoan võ thuật toàn Nga được tổ chức, anh trở thành khách mời duy nhất là người Việt tại liên hoan.
Chính trong dịp này, anh đã làm rạng danh người Việt khi lập nên kỉ lục thế giới bằng biểu diễn động lực giáp pháp công. Đây là phương pháp hít bát vào bụng để nhấc mình lên khỏi mặt đất dưới sự hỗ trợ của cần cẩu. Kỉ lục của Việt Nam trước đó là 3 phút 35 giây thì lần này anh phá kỉ lục lên tới 15 phút. Các kênh truyền hình giải trí của Nga rầm rộ phát lại buổi biểu diễn. Đây là một trong những mốc đặc biệt trong sự nghiệp của anh ở nước Nga.
Với uy tín của mình, lại thêm sự giới thiệu của đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, anh được mời vào dạy võ cho một số tổ chức an ninh Nga. Tiếp đó lại được các bệnh viện mời hợp tác để hỗ trợ cho phương pháp chữa bệnh bằng đông y. Tên tuổi Lương Ngọc Huỳnh ngày càng được biết đến rộng rãi trong giới chính khách Nga, anh được mời chữa trị cho cả những tên tuổi lớn trên chính trường như Thủ tướng V.Putin (nguyên tổng thống Nga), thị trưởng Matxcova Y.Luzkov, tỉ phú Abramovick, Tổng thống nước cộng hòa Canmuc…
Năm 2006, anh trở về nước chữa bệnh cho một số nguyên thủ quốc gia Việt Nam. Tới năm 2007, sau 5 năm học quy đổi, Lương Ngọc Huỳnh nhận được bằng bác sĩ dân tộc học của trường Y 1- Mátxcova, chứng nhận về thần kinh và dược học.
Với đề tài khoa học về cách chữa bệnh dựa trên phương pháp châm cứu và bấm huyệt theo dịch lý phương Đông, kiến thức về phong thủy truyền thống, quy luật tương sinh trong ngũ hành và những biến quái, biến quẻ. Công trình này được viện hàn lâm nhân dân thế giới chuyển về chi nhánh ở Ulan-Bator (Mông Cổ), anh lại được tấn phong Viện sĩ hàn lâm Mông Cổ.
Một trong 72 người của thiên niên kỷ
Cũng trong 2007, Lương Ngọc Huỳnh được tôn vinh là một trong 72 con người của thiên niên kỷ trong cuốn Những con người của thiên niên kỷ chúng ta do nhà xuất bản Tuyến đường mới của Nga ấn hành. Tên tuổi của anh đã được đặt cạnh những nhân vật nổi tiếng như Thủ tướng V.Putin, Thị trưởng Mátxcơva Y.Luzkov nhằm tôn xưng những cá nhân xuất sắc có nhiều đóng góp cho cộng đồng không phân biệt tôn giáo, đẳng cấp và quốc tịch. Sau sự kiện này, anh được mời về giảng dạy tại học viện An ninh Nga, tham gia viết một số đề tài nghiên cứu chiến lược bảo vệ đất nước trong thời kì mới. Tới 3/3/2012, anh được đích thân Đại tướng Tephanov- Trưởng học viện An ninh Nga phong tặng Giáo sư.
|
Đỗ Huệ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét